Dự án cao ốc khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon) do Công ty TNHH Saigon Glory (thành viên của Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư, tọa lạc tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP HCM). Mới đây, trong quá trình thi công dự án này đã khiến tòa nhà Bảo tàng Mỹ Thuật (quận 1) bị nứt tường, lún nền, bong tróc nhiều nơi, tường rào bị nghiêng ra ngoài, có khả năng sụp đổ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và hoạt động của Bảo tàng Mỹ Thuật.
|
Dự án cao ốc khu tứ giác Bến Thành. |
Đáng chú ý, sự việc trên không phải lùm xùm đầu tiên xảy ra tại dự án cao ốc khu tứ giác Bến Thành. Theo tìm hiểu của Kiến Thức, trước đó, chủ đầu tư cũ còn từng bị UBND quận 1 đòi nợ, hay việc chủ mới đem dự án đi “cầm cố” Ngân hàng.
|
Bảo tàng Mỹ Thuật phải căng băng rôn cảnh báo người đi đường chú ý trước việc bị ảnh hưởng nứt, lún do dự án The Spirit of Saigon thi công. (Ảnh: Tiền Phong). |
Chủ đầu tư bị UBND quận 1 đòi nợ 16 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của PV, dự án The Spirit of Saigon được hoàn thành công tác thu hồi và bàn giao toàn bộ mặt bằng trống cho chủ đầu tư vào tháng 12/2012.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2015 trong văn bản gửi Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, lãnh đạo UBND quận 1 cho biết Bitexco còn nợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung trong quá trình thu hồi mặt bằng với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường cho căn nhà số 73-75 Phạm Ngũ Lão là 8,7 tỷ đồng, còn lại là kinh phí phục vụ tại dự án.
|
Dự án gồm 2 tòa tháp đối diện nối với nhau bằng khối đế. (Ảnh: Tiền Phong)
|
Theo đó, UBND quận và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 đã nhiều lần có công văn đề nghị chủ đầu tư chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung để quyết toán và thanh lý hợp đồng tại dự án. Bitexco cũng có văn bản cam kết chi trả trước ngày 30/9/2014. Thế nhưng, đến thời điểm tháng 3/2015, doanh nghiệp này vẫn chưa chuyển trả đủ cho cơ quan có trách nhiệm.
Vì vậy, UBND quận 1 đã yêu cầu Tập đoàn Bitexco nhanh chóng chuyển trả hơn 16 tỷ đồng vào tài khoản của ban bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2015 để phục vụ công tác kiểm tra tài chính của cơ quan cấp trên.
Dự án “bất động" nhiều năm… rồi đổi chủ
Năm 2013, dự án The Spirit of Saigon được chính quyền chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư với quy mô 46-55 tầng trong đó có 6 tầng hầm với tối đa 420 căn hộ ở. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến 2017. Tuy nhiên, sau đó dự án chỉ xây dựng phần hầm.
Tháng 5/2016, UBND TP HCM ban hành quyết định phê duyệt giá đất của dự án là 1.443 tỷ đồng. Chi phí bồi thường hỗ trợ tại dự án khu tứ giác hơn 1.268 tỷ đồng, quận 1 dùng kinh phí của Bitexco để thực hiện.
Đến tháng 7/2018, Bitexco ký hợp đồng góp vốn với Công ty TNHH Saigon Glory (Công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Bitexco) với tài sản góp vốn được định giá là 7.000 tỷ đồng. Trên cơ sở góp vốn này, văn phòng đăng ký đất đai TP HCM đã cập nhật biến động trên giấy chứng nhận sang cho Công ty Saigon Glory làm chủ khu đất tứ giác Bến Thành.
Cuối năm 2018, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP HCM công nhận chủ đầu tư mới dự án này là Công ty TNHH Saigon Glory.
Việc thay đổi chủ đầu tư được Bitexco cho biết, nằm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nhằm mục tiêu tập trung triển khai dự án một cách chuyên biệt hóa và tốt hơn. Đồng thời, việc này còn đảm bảo về mặt lâu dài, công ty quản lý dự án, thi công, quản lý thi công, huy động vốn, sử dụng vốn vay, khai thác vận hành kinh doanh độc lập không bị ảnh hưởng tới các dự án khác của Tập đoàn Bitexco.
Đem dự án “cầm cố” ngân hàng?
Tháng 3/2020, đề cập tới thông tin dự án The Spirit of Saigon được đem thế chấp ngân hàng, một số cơ quan truyền thông dẫn thông tin từ phía Tập đoàn Bitexco cho biết, theo Điều 147 - Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Việc chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng để lấy vốn thực hiện dự án là hoàn toàn bình thường, được pháp luật cho phép.
Quy định của Điều 56 - Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng cho biết chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh, mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì yêu cầu phải có tài sản thế chấp.
|
Phối cảnh dự án The Spirit of Saigon. |
Trong khi đó, dự án The Spirit of Saigon đã được Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Tây Hà Nội (SHB) thẩm định về mặt pháp lý cũng như năng lực của chủ đầu tư là Công ty TNHH Saigon Glory; xác nhận là Ngân hàng phát hành thư bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo quy định, khi đã cho vay vốn, ngân hàng sẽ quản lý dòng tiền của dự án, buộc chủ đầu tư phải lập tài khoản tại ngân hàng cho vay vốn để khách hàng nộp tiền. Đồng thời, mọi khoản thu, chi của chủ đầu tư cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền sử dụng đúng mục đích.
Vì thế, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Tây Hà Nội ngày 21/2/2020 có văn bản thông báo SHB chấp thuận cho chủ đầu tư không phải giải tỏa, giải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án và được bán các nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án ngay sau khi có văn bản phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do vậy, dự án khu tứ giác Bến Thành đã hoàn thiện các thủ tục công chứng thế chấp, tài sản thế chấp. Nguồn thu để vay vốn tại ngân hàng SHB là chi phí cho dự án đã được thi công xây dựng và chủ đầu tư có kế hoạch tiếp tục huy động vốn nhằm triển khai xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án vào năm 2023.
“Công ty TNHH Saigon Glory khẳng định đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng”, Bitexco nói thêm.
The Spirit of Saigon được giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm: Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính có diện tích sử dụng đất là 8.641m2 với mục tiêu đầu tư xây dựng văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao. Dự án có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Khánh Hoài (tổng hợp)