Hiện nay, thanh toán bằng chuyển khoản không còn là hình thức mới mẻ với số đông giới trẻ. Đặc biệt khi mã QR xuất hiện khắp mọi nơi, nhiều người tự tin ra đường mà chỉ cần cầm theo một chiếc điện thoại thay vì ví tiền dày cộp.
Dẫu biết chuyển khoản giúp giao dịch trở nên thuận tiện hơn, nhưng hình thức này bị đánh giá là có thể gây lãng phí trong chi tiêu. Thực tế thì sao?
Chi tiêu bốc đồng vì quen dùng chuyển khoản?
Hầu hết người trẻ ưa chuộng hình thức chuyển khoản bởi sự thuận tiện và nhanh gọn trong khâu thanh toán. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn chuyển khoản và ví điện tử… có thể khiến họ chi tiêu nhiều hơn.
Như Xuân (23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực Kiểm toán, TP.Hà Nội) đồng tình với nhận định này. Bản thân Như Xuân là người “nghiện" chuyển khoản trong hầu hết khoản tiêu dùng hàng ngày. Theo Như Xuân, nếu thấy tiền mặt trong ví giảm đi, bản thân sẽ nhận thức rõ ràng hơn về mức chi tiêu. Tuy nhiên, nếu quen dùng thanh toán online, việc trừ tiền chỉ được thông báo nên chúng ta không quá bận tâm.
“Hồi đầu mới nhận lương, mình nghĩ bản thân đã chi tiêu tiết kiệm lắm rồi, nhưng sao cuối tháng vẫn nhanh hết tiền. Đến cuối tháng, mình xem lịch sử thanh toán mới biết bản thân tiêu xài cũng không ít, chẳng hạn dùng 1 triệu mua quần áo và mỹ phẩm, 500 ngàn đồng tiền trà sữa… Mình nghĩ đó là ‘bẫy' nhiều người mắc phải khi quen trả tiền bằng hình thức thanh toán. Đó là không thấy tiền trong ví mất, nên nghĩ bản thân vẫn tiết kiệm lắm”, Như Xuân nói.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác cũng cho rằng việc quen dùng chuyển khoản thúc đẩy “chi tiêu bốc đồng" hơn là Phạm Mạnh (25 tuổi, Nhân viên Marketing, TP.Hà Nội). Anh chàng đồng tình rằng phương pháp thanh toán khiến bản thân nhanh hết lương vì không xài tiền mặt nên lúc tiêu sẽ không thấy “xót” ví. Ngoài ra, anh còn cho rằng sở dĩ chuyển khoản gây tốn kém vì tính thuận tiện trong khâu thanh toán, chủ nhân không cần mang tiền vẫn có thể mua món đồ yêu thích.
“Chẳng hạn khi đi đường, mình thấy các hàng quán bán đồ ăn hay món đồ trang trí đẹp, bản thân không cần mang ví vẫn mua được. Điều này khiến mình chi tiêu bốc đồng hơn. Nếu như mình chỉ thanh toán tiền mặt, mà không có sẵn tiền thì sẽ phải tự hỏi bản thân lâu hơn, rằng: Mình có thực sự cần món đồ đó không?", Mạnh chia sẻ.
Nghiện chuyển khoản nhưng vẫn tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng
Ở diễn biến khác, có những người trẻ lại nhận định phương thức chuyển khoản giúp họ thắt chặt chi tiêu hơn. Đơn cử như cô bạn Mai Anh (23 tuổi, Nhân viên văn phòng, Bắc Ninh) đã tiết kiệm được 10 triệu đồng mỗi tháng bằng cách chuyển thẳng số tiền này vào một tài khoản ngân hàng sau mỗi kỳ lãnh lương. Sau đó, cô chỉ dùng vỏn vẹn 2 triệu đồng trong tổng lương 12 triệu để trang trải chi phí sinh hoạt.
Mai Anh chia sẻ: “Mình dùng cả chuyển khoản và tiền mặt để chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, việc tách biệt hẳn khoản tiết kiệm bằng tài khoản ngân hàng riêng khiến mình có ý thức không động vào số tiền đó nếu không có trường hợp khẩn cấp”.
Mai Anh mới tốt nghiệp và chỉ mới học cách quản lý chi tiêu thời gian gần đây khi tiền lương đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng. Cô cho biết thêm, hiện tại bản thân thoải mái với cách tiết kiệm tiền bằng cách dùng tài khoản riêng như hiện nay.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, Đức Minh (22 tuổi, nhân viên văn phòng, TP. Hà Nội) - một người cũng “nghiện" chuyển khoản cho biết anh không đồng tình hình thức thanh toán này khiến bản thân chi tiêu bốc đồng hơn. Ngược lại, Đức Minh còn để dành được một khoản kha khá nhờ biết chuyển tiền lương vào tài khoản ngân hàng riêng làm quỹ tiết kiệm. Ngoài ra, anh đã liên kết tài khoản ngân hàng với những ứng dụng quản lý chi tiêu để tiện kiểm soát “dòng tiền ra - vào” trong ví hàng tháng.
Theo Đức Minh, dù dùng tiền mặt hay chuyển khoản, bạn đều có thể quản lý chi tiêu nếu biết lên kế hoạch hợp lý. Với hình thức chuyển khoản, bạn còn dễ ghi chép lại bản thân đã chi tiêu vào những mục cụ thể nào, từ đó xây dựng phương án kiểm soát tài chính hợp lý.
“Dùng chuyển khoản để thanh toán có cái lợi là cuối tháng, mình biết mình đã dùng tiền vào việc gì. Chứ nếu bạn dùng tiền mặt, mua đồ nào mình cũng lấy giấy bút ra ghi cũng kỳ và vất vả nữa.
Với những bạn hay lãng phí tài chính, mình khuyên nên dùng các app quản lý chi tiêu. Một số app liên kết thẳng với tài khoản ngân hàng, nên mỗi lần chuyển khoản, bạn chỉ cần nhập lại số tiền đã chi vào app. Cuối tháng, bản thân cũng thuận tiện xem lại các khoản chi tiêu hơn”, Minh nói.
Sau cùng, Đức Minh chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi dùng chuyển khoản để quản lý chi tiêu tốt như sau:
- Chia thu nhập hàng tháng vào những tài khoản ngân hàng khác nhau, theo từng mục đích sử dụng như tiền tiết kiệm, tiền sinh hoạt phí… Điều này giúp bạn tránh chi tiêu quá nhiều so với hạn mức đề ra.
- Trước khi mua hàng, nên ghi rõ từng món đồ bản thân muốn sắm để tránh chi tiêu theo cảm xúc.
- Kiểm tra lại các phí định kỳ liên kết với tài khoản ngân hàng trong trường hợp không còn sử dụng như tài khoản xem phim, thẻ phòng tập…
Theo Vân Anh/Phụ nữ Việt Nam