Nghịch lý trong bão sa thải ngành công nghệ

Google News

Hàng trăm nghìn nhân viên trong ngành công nghệ đã mất việc. Ngay cả những người ở lại cũng hoang mang. Nhưng cổ phiếu của các tập đoàn thường tăng mạnh sau thông báo.

Theo Business Insider, cô Natasha Nesiba - một kỹ sư từng làm việc cho Google - đã không ngừng khóc sau khi bị gã khổng lồ công nghệ Alphabet sa thải. Cô nhận được tin xấu chỉ vài giờ trước khi chuyển dạ và sinh đứa con thứ hai.

"Quãng thời gian làm việc vui vẻ và thú vị đã trở nên vô nghĩa sau tin tức khủng khiếp này", cô chia sẻ.

Ngày 20/1, Alphabet - công ty mẹ của Google - thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu.

Ông Sundar Pichai - CEO của Alphabet - thừa nhận công ty đã tuyển dụng quá ồ ạt và không thể duy trì toàn bộ lực lượng lao động trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Thông báo sa thải đột ngột của Google khiến các nhân viên ngỡ ngàng. Ngay cả những người ở lại cũng hoang mang. Tất cả đều tức giận và buồn bã.

Nhưng giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng gần 6% trong ngày công ty thông báo sa thải 12.000 nhân viên.

Nghich ly trong bao sa thai nganh cong nghe
 Ảnh minh họa.
Xoa dịu Phố Wall

Điều tương tự cũng xảy ra với các tập đoàn lớn khác. Ngày 8/2, nền tảng họp trực tuyến Zoom tuyên bố sa thải 1.300 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. CEO Eric Yuan thừa nhận phải cắt giảm việc làm vì "sự bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu". Nhưng giá cổ phiếu của Zoom đã tăng vọt 9,8% sau thông báo.

Cùng ngày, Disney cũng quyết định sa thải 7.000 nhân viên và cắt giảm chi phí khoảng 5,5 tỷ USD. Thông báo giúp cổ phiếu của công ty giải trí lớn nhất thế giới tăng hơn 5%, đạt 117,87 USD/cổ phiếu sau đó.

Meta - công ty mẹ của Facebook - cũng được Phố Wall ủng hộ sau quyết định sa thải 11.000 nhân viên. Tài sản của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đang phục hồi sau năm tồi tệ chưa từng có 2022 trước đó.

Trong năm vừa qua, ông chủ Facebook mất 142 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 9/2022. Nhưng ngày 2/2 vừa qua, vị CEO đã gia tăng số tài sản của mình thêm 12,5 tỷ USD trong vỏn vẹn một ngày. Đến nay, ông Zuckerberg nắm giữ khối tài sản hơn 66 tỷ USD.

"Ngay cả khi việc sa thải phù hợp về khía cạnh tài chính, chúng có thể làm tổn hại tới danh tiếng và con đường phát triển dài hạn của công ty",

Ông Richard Mabey, Giám đốc điều hành của nền tảng Juro

Trong cuộc họp với cổ đông ngày 1/2, Zuckerberg cho biết đợt sa thải 11.000 nhân viên - tương đương 13% lực lượng lao động - chỉ là khởi đầu trong kế hoạch tinh giản của tập đoàn.

Trong lá thư gửi nhân viên sau quyết định sa thải, Zuckerberg cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Nói với các cổ đông, vị CEO cũng tuyên bố 2023 sẽ là "năm làm việc hiệu quả" của Meta.

Trở lại năm 2020, đại dịch đã mang tới sự bùng nổ trong nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Đó là giai đoạn những doanh nghiệp này ráo riết tuyển dụng.

Nhưng khi dịch Covid-19 qua đi, mọi người trở lại văn phòng và dành nhiều thời gian ở ngoài hơn, mức độ tương tác trên các nền tảng công nghệ giảm đi và kéo tụt doanh thu. Những đế chế công nghệ - vốn đã mở rộng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch - giờ cần ít nhân viên hơn để quản lý các nền tảng.

Các công ty công nghệ từng cho rằng đại dịch sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng vĩnh viễn, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi. Nhưng họ đã nhầm.

Tồi tệ hơn, nền kinh tế toàn cầu đang phát đi những tín hiệu về một cuộc suy thoái. Nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu đã đi xuống.

Những sếp công nghệ như Mark Zuckerberg của Meta và Marc Benioff của Salesforce đều thừa nhận đã đánh giá sai về nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Điều đó buộc các tập đoàn phải đưa ra quyết định khó khăn.

Hệ quả lâu dài

Các cổ phiếu công nghệ đã bị đè nặng bởi rủi ro suy thoái kinh tế và lãi suất tăng cao. Và những quyết định cắt giảm chi phí, sa thải hàng loạt giúp xoa dịu Phố Wall.

Trong email gửi cho các nhân viên tại Mỹ, CEO của Alphabet cho biết "hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những quyết định đã đẩy chúng ta tới nước này".

Nhưng những người gánh chịu hậu quả thực sự lại là các nhân viên. Những cuộc biểu tình đã nổ ra sau đợt sa thải của Google. "Rõ ràng là số tiền tiết kiệm được từ việc sa thải không đáng gì so với hàng tỷ USD mua lại cổ phiếu, hàng tỷ USD lợi nhuận trong quý trước", Bloomberg dẫn lời kỹ sư phần mềm Alberta Devor chia sẻ.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những gã khổng lồ công nghệ đang bỏ qua một vấn đề. Đó là dù tiết kiệm được chi phí trong ngắn hạn, các đợt sa thải có thể kéo theo những hệ quả lâu dài.

Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, việc sa thải giúp các công ty cắt giảm chi phí trong ngắn hạn nhưng lợi bất cập hại. Hình ảnh của doanh nghiệp sẽ xấu đi, những nhân viên còn trụ lại mất cảm giác gắn bó với tổ chức, giảm nhiệt tình trong công việc, dẫn tới doanh thu tự nguyện và khả năng đổi mới sụt giảm.

Theo ông Richard Mabey - Giám đốc điều hành của nền tảng Juro - việc cắt giảm thái quá cũng sẽ dẫn tới tăng trưởng chậm lại, tác động tiêu cực đến doanh thu tương lai.

"Ngay cả khi việc sa thải phù hợp về khía cạnh tài chính, chúng có thể làm tổn hại tới danh tiếng và con đường phát triển dài hạn của công ty", ông nhận định.

Theo Thảo My/Zing