Nghi ngại nguồn gốc quả cherry giá rẻ “giật mình”

Google News

Lướt qua các chợ mạng, dễ dàng bắt gặp các lời quảng cáo: “cơn bão mang tên cherry”, “giá siêu sốc”, “kỷ lục cherry siêu rẻ”…

Gần chục năm trở lại đây, quả cherry bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam và nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, rất nhiều thùng cherry đang được rao bán tràn ngập trên mạng với giá chỉ rẻ bằng 1/5-1/4 so với giá cherry Mỹ, New Zealand lại có nguồn gốc từ Trung Quốc và được “dán mác” của các quốc gia trên.
Tại các cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại, cherry Mỹ, New Zealand luôn có mức 400.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại. Loại quả này còn khó bảo quản, dễ dập nát khi vận chuyển nên cũng ít nhà nhập khẩu. Vì thế, cherry vốn dĩ được coi là loại quả dành cho những gia đình khá giả.
Nghi ngai nguon goc qua cherry gia re “giat minh”
Những thùng cherry được bán với giá gây sốc không rõ nguồn gốc. 
Nhưng gần một tháng nay, trên các Facebook cá nhân, nhiều người bán hàng lại rao bán loại quả “sang chảnh” này với giá chỉ 120.000 đồng/kg, thậm chí nếu mua nhiều theo thùng chỉ còn 90.000 đồng/kg. Mức giá rẻ “giật mình” chỉ bằng 1/5-1/4 giá cherry New Zealand và Mỹ, nên được đông đảo người mua với quan niệm chẳng mấy khi được ăn cherry giá rẻ.
Lướt qua các chợ mạng, dễ dàng bắt gặp các lời quảng cáo: “cơn bão mang tên cherry”, “giá siêu sốc”, “kỷ lục cherry siêu rẻ”… Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngại vì sự chênh lệch giá quá lớn này.
Không ít người biết rằng, thời điểm này, Trung Quốc đang vào vụ cherry nên giá rất rẻ. Tuỳ từng kích cỡ, cherry Trung Quốc có giá khác nhau. Loại quả to, ăn giòn và ngọt thì giá bán lẻ khá cao, 280.000 đồng/kg. Còn loại đang được rao bán 120.000 - 140.000 đồng/kg là loại quả nhỏ, không có độ đỏ thẫm và ăn hơi chua.
Và theo nhiều thương lái ở chợ đầu mối Long Biên, cherry Trung Quốc được nhập về Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây, rộ mùa vào tầm tháng 6, 7, cùng thời điểm với cherry Mỹ.
Điều đáng bàn, dù cherry Trung Quốc được rao bán tràn ngập trên mạng nhưng tại các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu lại chưa có bán, thậm chí một số chủ hàng còn tỏ ra khá bất ngờ với cherry Trung Quốc giá rẻ như vậy.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, hiện nay Việt Nam đã cho phép nhập khẩu chính ngạch cherry từ 4 quốc gia New Zealand, Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, còn Australia đang làm thủ tục đàm phán.
Riêng về cherry Trung Quốc, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật thông tin, thường được trồng ở phía Bắc nước này, nơi có khí hậu lạnh sâu nhưng cherry Trung Quốc ăn có vị hơi chua. Tuy nhiên, các năm trước Việt Nam vẫn nhập nhưng từ năm 2016 đến nay, theo thống kê từ các cửa khẩu thì chưa doanh nghiệp nào đăng ký nhập chính ngạch cherry Trung Quốc về nước tiêu thụ...
Rất nhiều nghi vấn cho rằng, loại cherry giá rẻ “giật mình” đang được bán tràn lan là cherry Trung Quốc, được nhập lậu về Việt Nam, và theo kinh nghiệm của nhiều người bán hàng hoa quả nhập ngoại, cách để phân biệt cherry “xịn” và cherry giá rẻ không chứng minh được nguồn gốc là bề mặt quả.
Cherry nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Australia có vỏ ngoài sáng bóng, màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi, trái rất chắc, phần cuống còn màu xanh, mọng nước, nhưng không mềm nhũn, ăn rất giòn có vị ngọt thanh dịu. Ngược lại, cherry Trung Quốc có màu đỏ tươi nhưng nhạt, cầm vào quả thấy mềm. Khi ăn sẽ thấy nhũn, vị hơi chua.
Ngoài ra, quả cherry đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ các nước Mỹ, Australia hay Canada phải có đường kính từ 27mm trở lên nên nếu thấy những nơi bán cherry có kích cỡ không đồng đều, trái quá nhỏ thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ về chất lượng.
Quả cherry chỉ có thể giữ được tối đa là 10 ngày ở nhiệt độ dưới 10 độ C. Nếu để bên ngoài mà không có bảo quản gì thì chỉ cần 1 ngày quả sẽ héo, vỏ có nếp nhăn. Cherry của Trung Quốc lại được bày bán ở nhiệt độ thường ngoài chợ, nhưng không hư hại, thậm chí nhìn rất lấp lánh, tươi ngon do được tẩm hóa chất.
Cách để người tiêu dùng mua được quả cherry ngon là nên chọn lựa những cửa hàng uy tín và có giấy chứng nhận hàng nhập khẩu cho từng lô hàng.
Theo Chí Linh/CAND