Theo phong tục của người Việt, mỗi năm khi Tết đến Xuân về, ai cũng muốn trang hoàng bàn thờ gia tiên thật rực rỡ. Do đó, những chiếc lư đồng cũng được mọi người mang ra làm mới. Nghề đánh bóng lư đồng vì thế cũng ăn nên làm ra những ngày cuối năm này.
"Đến hẹn lại lên", dịp Tết này, anh Lê Thanh Diệu (38 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại mang đồ nghề là chiếc mô tơ ra lắp thêm bánh vải vào, rồi treo biển "Đánh bóng lư đồng" trước tiệm sửa xe của gia đình.
Anh Diệu có thâm niên hơn 3 năm làm cái nghề mà nhiều người thường trêu là ngồi "rung đùi" hốt bạc triệu này. Thường ngày, anh mưu sinh bằng nghề sửa xe máy, nhưng cứ mỗi khi đến Tết là anh và nhiều đồng nghiệp khác lại tranh thủ đánh lư đồng để tăng thu nhập.
Theo anh Diệu, 1 bộ lư đơn giản, anh cần khoảng 2 giờ, tiền công 150.000 - 350.000 đồng, còn những bộ lư phức tạp cần nhiều hơn 5 tiếng thì tiền công khoảng 500.000 - 800.000 đồng. Đối với những bộ lư đồng có hoa văn phức tạp, anh Diệu phải đánh bóng thủ công bằng tay.
"Người Việt mình rất coi trọng bàn thờ gia tiên. Các loại lư đồng sau một năm sử dụng sẽ chuyển màu sẫm, kém sáng, bóng đẹp nên dịp Tết là thời điểm tốt nhất để làm mới món đồ gia truyền này. Kể ra nghề đánh lư đồng thu nhập tốt hơn sửa xe nhiều. Ít nhất một ngày cũng kiếm được triệu bạc, còn mấy chỗ tiệm lớn tí là kiếm được vài triệu trong 1 ngày dễ như chơi", anh Diệu tiết lộ.
|
Những ngày cận Tết, Đà Nẵng bỗng trở nên sôi động với sự xuất hiện của những người làm dịch vụ đánh bóng lư đồng trên phố. Công việc thời vụ này giúp họ kiếm được bạc triệu mỗi ngày. |
|
Muốn đánh bóng được bộ lư đồng thì phải tháo rời từng bộ phận ra. |
|
Nhìn đơn giản nhưng việc đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt phải có "bàn tay lộc". |
Anh Diệu cho biết thêm, quá trình đánh bóng một bộ lư đồng thường qua 4 công đoạn. Đầu tiên, phải tháo rời từng bộ phận; sau đó vệ sinh sạch sẽ, rồi chà bột tẩy; rồi dùng máy mô tơ để đánh bóng, làm sạch vết xỉn và phơi khô. Công đoạn nào cũng cần kinh nghiệm và bí quyết riêng, trong đó làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư.
"Lư đồng là món đồ được nhiều gia đình truyền từ đời này sang đời khác nên có giá trị vật chất và tinh thần rất lớn. Do đó trong từng công đoạn, mình phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ nhất có thể. Nếu gặp cái nào không thấy khả năng không thể đánh bóng được là tôi từ chối ngay, vì lỡ làm hư thì không thể đền nổi, vì đôi khi có tiền chưa chắc mua lại được", anh Diệu chia sẻ.
|
Để lư đồng được bóng sáng, những người hành nghề sẽ bôi một ít bánh tẩy lên lưỡi chà.
|
|
Các chi tiết nhỏ cũng được người thợ đánh bóng cẩn trọng và tỉ mỉ. |
|
Những bộ lư ám màu cũ kỹ bỗng chốc chở nên sáng bóng như mới. |
Đang tỉ mẩn đánh bóng chiếc lư vừa nhận của khách, ông Phùng Văn Phong (41 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, ngày thường mình làm "thợ đụng", nhưng cứ cận Tết, ông lại treo bảng nhận "phủ vàng" cho những lư đồng, giá nến, lọ hương để kiếm thêm thu nhập.
Đồ nghề của ông Phong chỉ vỏn vẹn chiếc mô tơ kèm theo lưỡi chà tự chế và một số vật dụng khác như bánh tẩy, bàn chải. Ngoài lư đồng, ông còn nhận đánh bóng nhiều loại đồ dùng khác như chân đèn, bình hoa.
"Đánh bóng lư đồng không khó, nhưng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn và cẩn thận vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Không ai giao bộ lư đồng cả chục triệu đồng, có từ thời ông bà thời xưa cho người lạ, mới làm nghề. Ngoài ra, người làm nghề phải có tâm và đôi bàn tay có 'lộc' để mang lại may mắn cho khách hàng", ông Phong giải thích.
Theo ông Phong, làm cái nghề này tuy mệt nhưng bên cạnh việc nguồn thu nhập đáng kể thu được thì thành quả của những bộ lư đồng sáng bóng còn mang lại niềm vui khi góp phần giúp làm đẹp cho mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về.
|
Những ngày cận Tết, ông Phong đầu tắt mặt tối từ sáng đến tối để kịp bàn giao lư đồng cho khách. |
|
Theo ông Phong, lư đồng có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là lư tròn, lư vuông, lư chữ nhật, lư trúc… |
|
Những bộ lư có hoạ tiết cầu kỳ, phức tạp thì đòi hỏi người thợ phải lau chùi, đánh bóng bằng tay. |
|
Trung bình mỗi dịp Tết, những người thợ đánh bóng lư đồng kiếm được hàng chục triệu đồng. |
Theo Tổ quốc