Là caddy (nhân viên phục vụ trên sân golf) hơn 2 năm, C.H.Y.N. (22 tuổi, ngụ tạo TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, để đạt được mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng, cô gái phải đánh đổi cả sức khỏe lẫn tinh thần.
Để có được thu nhập cao, các caddy phải có thể lực và sức chịu đựng tốt (Ảnh minh họa: Cộng đồng Golfer).
Đánh đổi
Trước đây, Y.N. là nhân viên phục vụ tại nhà hàng trên địa bàn TPHCM. Vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, N. ứng tuyển làm caddy tại một sân golf gần nhà.
N. chia sẻ, thời gian làm việc tại sân golf tùy thuộc vào sự sắp xếp của công ty. Thông thường, caddy sẽ làm việc theo ca, các giờ vào ca dao động từ 5h đến 15h. Mỗi caddy thường phải làm việc 8-12 giờ/ngày.
Hằng ngày, caddy thường phải kéo theo bộ gậy chơi golf nặng đến 15kg, chạy theo người chơi dưới trời nắng gắt suốt nhiều giờ liên tục. Họ còn phụ trách chăm sóc, theo dõi, hướng dẫn khách trong 18 đường golf; chăm sóc dụng cụ chơi golf và đào hố cát, đánh dấu bóng golf,…
"Thời gian làm việc tùy thuộc vào mật độ khách trên sân. Nhiệm vụ hằng ngày của caddy là phục vụ 1 vị khách. Khi kết thúc 18 đường golf là caddy hoàn thành nhiệm vụ của mình", Y.N. cho hay.
Thái độ là một phần quan trọng, quyết định mức thu nhập của caddy (Ảnh minh họa: Golf Fami).
Thời gian đầu mới vào nghề, N. gặp không ít khó khăn trong việc tính khoảng cách từ vị trí banh đến cờ nên phải loay hoay tìm gậy đánh đúng tầm cho khách. Dần dà, cô gái cũng có kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng sau 2 năm, N. nhận ra sức khỏe bị tổn hại không ít.
"Các sân golf đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Về lâu dài, việc chạm hay hít phải hóa chất gây ra không ít những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Công việc này còn thường xuyên phải làm dưới trời nắng gắt nên cũng gây hại cho da và mắt", N. trải lòng.
Cô gái 22 tuổi không thể quên được cảnh dầm mưa, nắng liên tục trong thời gian dài. Vì thế, trong một trận golf quan trọng, N. đột ngột sốt cao, tới 39 độ C.
"Khi đó, thấy chỉ còn 4 đường golf nữa là hoàn thành, tôi cố cắn răng chịu đựng. Sau một thời gian, tôi cũng dần làm quen với cường độ làm việc hơn, không ốm vặt nữa", cô gái 22 tuổi nói.
Theo N., cường độ công việc cao đến đâu cũng không áp lực bằng việc "chịu trận" trước thái độ và hành vi của khách. Làm công việc này, N. có cơ hội tiếp xúc với những người có học vị cao, thành đạt và giàu có. Ngoài những vị khách lịch thiệp, hòa nhã, cô gái cũng phải đối mặt với những người cộc cằn, thô lỗ, thậm chí miệt thị và xem thường mình.
N. nhiều lần thở phào khi khách đánh thắng hay chỉ đơn thuần là đánh vào lỗ. Bởi nếu ngược lại, cô gái có thể sẽ trở thành "chiếc sọt" để người chơi trút giận dữ.
Ngoài ra, những caddy trẻ tuổi, có ngoại hình như N. rất dễ bị rơi vào tình huống bị gạ gẫm, quấy rối tình dục.
"Từng có khách đánh golf xong ngỏ ý cho tiền và yêu cầu tôi đi cùng ông ấy. Dù tôi cố gắng từ chối nhưng người này liên tục đụng vào chỗ nhạy cảm. Chỉ khi tôi cầu cứu quản lý, vị khách mới chịu dừng lại. Đó cũng là một trong những điều tế nhị trong nghề mà tôi khó chia sẻ với người khác", N. nói.
Nghề lương cao, ít người làm
Theo Y.N., 30 triệu đồng là mức thu nhập tháng cao nhất mà cô từng nhận trong 2 năm làm việc. Trong đó, số tiền này đã bao gồm lương cứng và tiền tip (thưởng) của khách hàng.
"Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi chính là khoảnh khắc được vị khách nước ngoài tip 5 triệu đồng. Đó là số tiền cao nhất tôi kiếm được trong một ngày kể từ khi bắt đầu đi làm", N. bộc bạch.
Được biết, tiền tip đôi khi có thể cao hơn mức lương cứng của các caddy (Ảnh minh họa: Sân golf Laguna Lăng Cô).
Cô gái chia sẻ, đây là công việc mang tính đặc thù nên sự gắn bó của nhân sự còn tùy vào tính cách, độ tuổi và định hướng của mỗi người. Tại công ty nơi N. làm việc, có người đã theo nghề hơn 20 năm nhưng cũng có một vài nhân sự chỉ ở lại vài tháng.
Để trở thành một caddy, N. cho hay, ứng viên phải có bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu có thêm chứng chỉ ngoại ngữ thì là một lợi thế. Trong đó, những ứng viên thử việc sẽ được huấn luyện bài bản trong 2 tháng. Sau đó, nếu nhân sự có thể lực, tầm nhìn tốt và nhanh nhẹn sẽ được giữ lại làm nhân viên chính thức.
Ông Nguyễn Thế Anh, quản lý tại một sân golf ở phía Nam cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện tại là chất lượng caddy tại các sân golf. Nhiều người coi đây chỉ là công việc làm thêm nên chưa thật sự đầu tư về chuyên môn, kỹ năng.
Đội ngũ phục vụ tại sân golf cũng thường nhận về nhiều lời phàn nàn như không tập trung vào công việc, không am hiểu về lĩnh vực, không hỗ trợ được người chơi... Thiếu kỹ năng, kiến thức, nhiều người làm công việc này đơn thuần chỉ là người phục vụ.
Caddy làm việc không hiệu quả nên đã không ít lần xảy ra sự việc ầm ĩ khi golfer (người chơi golf) phản ứng với caddy, trả người, yêu cầu sân golf đào tạo lại nhân viên,...
Mặt khác, theo ông Anh, các doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình đào tạo nhân viên làm việc ở sân golf cũng như có những chính sách, quy định bảo vệ họ.
Đối tượng khách hàng tại các sân golf đa phần là người có điều kiện, địa vị cao, đòi hỏi các nhân viên phải chỉn chu về ngoại hình cũng như chuyên môn (Ảnh minh họa: Sân golf Laguna Lăng Cô).
"Nhu cầu nhân lực phục vụ sân golf rất lớn, đòi hỏi nhân viên phải được đào tạo bài bản. Nếu để trống mảng đào tạo nghề này, có thể rồi đây Việt Nam sẽ phải "nhập khẩu" caddy", ông Thế Anh nhận định.
Số lượng sân golf tại Việt Nam đang ngày càng tăng, là một ngành có xu hướng phát triển mạnh. Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, chưa kể các sân đang hoàn thiện với hàng chục ngàn người trong và ngoài nước thường xuyên chơi.
Nhưng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành golf hiện tại và trong tương lai của Việt Nam đang bị đuối. Số ít trường đại học, cao đẳng đưa golf vào đào tạo nhưng có trường phải sớm đóng ngành vì không tuyển được sinh viên. Hầu hết các sân golf hiện nay vẫn phải tự xoay xở kiếm nhân lực từ các ngành tay trái.
Theo Nguyễn Vy/Dân trí