Ghi nhận của PV trong những ngày gần đây cho thấy tại TP.HCM, hầu hết các quầy giao dịch của nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone… luôn trong tình trạng đông kín người đến chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Đây cũng là các nhà mạng lớn, chiếm hơn 95% số lượng thuê bao di động đang hoạt động trong cả nước.
Theo các phòng giao dịch, số lượng thuê bao đến chuẩn hóa tăng mạnh trong những ngày cuối, tuy vậy vẫn còn không ít thuê bao chưa cập nhật thông tin và đứng trước nguy cơ bị khóa.
Chuẩn hóa thông tin thuê bao: Thực hiện đúng lộ trình
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định bộ kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31-3. Sau đó, các nhà mạng sẽ tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho các thuê bao bị khóa.
“Nếu lùi thời hạn thực hiện sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc đi chuẩn hóa thông tin thuê bao khi nhận được thông báo từ nhà mạng” - Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cũng cho biết tính đến ngày 28-3 đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân trùng khớp với cơ sở dữ liệu quản lý về dân cư. Như vậy đã có 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa lại thông tin cá nhân đã thực hiện chuẩn hóa.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân theo quy định. Như vậy, số thuê bao này sẽ nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao nếu không đăng ký lại thông tin cá nhân.
Cũng theo ông Nhã, tới thời điểm hiện tại chưa có nhà mạng nào kiến nghị về việc cần gia hạn thời gian để thực hiện chuẩn hóa thông tin. Điều này có nghĩa từ ngày 31-3, các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin hai chiều với những thuê bao này và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
“Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định” - ông Nhã nhấn mạnh.
Nhà mạng lo mất khách hàng sau ngày 31-3
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một nhà mạng thừa nhận trong đợt đầu tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao di động (sau ngày 31-3), chắc chắn các nhà mạng sẽ mất một lượng khách hàng vì tỉ lệ chuẩn hóa cũng không thể nào đạt 100%. Lý do việc chuẩn hóa còn gặp nhiều tồn đọng với nhóm người dùng di động “phi công nghệ” chỉ gọi đi và gọi đến, không dùng hoặc không biết dùng, không đọc SMS bao giờ hoặc vùng sâu, vùng xa.
|
Nhà mạng đang chạy nước rút trong cuộc đua chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: THU HÀ
|
“Dẫu vậy, tới ngày 31-3 nếu các thuê bao này không thực hiện chuẩn hóa thông tin theo đúng yêu cầu, chúng tôi buộc phải khóa một chiều (gọi đi) theo đúng quy định. Dù việc này sẽ gây nhiều bất lợi cho các thuê bao, thậm chí là mất khách hàng nhưng chúng tôi buộc phải làm để quản lý thông tin thuê bao được minh bạch hơn. Tuy vậy sau khi bị khóa một chiều, chủ thuê bao bắt buộc phải đến các điểm giao dịch để mở lại SIM và chuẩn hóa thông tin thuê bao” - đại diện của nhà mạng này cho biết.
Đại diện nhà mạng Viettel cũng ghi nhận tới nay vẫn còn một lượng thuê bao cần chuẩn hóa thông tin nhưng chưa đến cập nhật. Do đó các nhà mạng, trong đó có Viettel rất cần sự ủng hộ của khách hàng, người dân. Đồng thời, bản thân nhà mạng cũng có nhiều đối sách trước, trong và sau ngày 31-3 trong việc nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao.
“Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như tăng cường thêm nhân viên phục vụ, phát tờ rơi hướng dẫn khách hàng tự chuẩn hóa trực tuyến để không phải chờ đợi, mở rộng thêm các điểm hỗ trợ chuẩn hóa thông tin. Chúng tôi cũng tổ chức thêm 700 điểm lưu động tại nhà trung tâm huyện để phục vụ người dân các địa phương” - đại diện Viettel cho biết.
Nhà mạng VinaPhone cũng thông tin đối với các điểm ở vùng sâu, vùng xa, đơn vị đã thành lập các điểm giao dịch lưu động để các chủ thuê bao có thể dễ dàng tiếp cận và chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Nhiều bất lợi với SIM không chuẩn hóa thông tin
Thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quản lý về dân cư có thể gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch với thuê bao di động, nhất là việc cấp lại, đổi SIM khi mất SIM do thuê bao không chính xác, không chính chủ. Rủi ro về tranh chấp quyền sở hữu đối với SIM, đặc biệt với số đẹp.
Ngoài ra, hiện nay số điện thoại gắn với rất nhiều tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, quan trọng của khách hàng như ngân hàng, bảo hiểm... Trường hợp số điện thoại có thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ người dùng bị mất các tài khoản này. Bên cạnh đó, người dùng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực.
Vì vậy việc chuẩn hóa thông tin thuê bao sẽ bảo vệ chính mình khỏi tình trạng sử dụng SIM rác để lừa đảo, quấy rối, thậm chí là tranh chấp, cướp số.
Mạnh tay với nhà mạng bán SIMrác
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết đơn vị này sẽ phối hợp với các sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp. Đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới, báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT xử lý nghiêm bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao.
“Qua đó nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…” - ông Nhã nhấn mạnh.
Theo Nhóm PV / PLO