Đầu tư hàng tỷ đồng vào nghề nuôi ngao hai cồi, thế nhưng, hơn 1 năm qua, giá ngao hai cồi luôn ở mức thấp, người nuôi rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá ngao hai cồi từ đầu năm 2020 đến nay luôn ở mức thấp chưa từng có.
Theo anh Đặng Trung Hội, người nuôi ngao hai cồi ở Vân Đồn cho biết, giá ngao hai cồi hiện nay được thương lái thu mua loại nhỏ từ 50 con/kg trở lên chỉ 8.000 đồng/kg; loại nhỡ khoảng 40 con/kg bán được 15.000 đồng/kg; loại to nhất khoảng 30 con/kg cũng chỉ được 30.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với trước đây nhưng vẫn khó tìm đầu ra.
“Loại to nhất cũng chỉ được 30.000 đồng/kg nhưng dân nuôi được rất ít, chỉ có loại từ 8-15.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Dân buôn đến mua rất ít, có mua cũng không được bao nhiêu”, anh Hội nói.
Giá xuống thấp nhưng vẫn khó bán.
Theo anh Hội, gia đình anh nuôi gần 3 vạn lồng. Chi phí mỗi lồng hết 45.000 đồng, nuôi suốt 12 tháng, nếu đạt thì được chừng 1,5-2,5kg/lồng. Trước đây, giá bán buôn từ 90-120.000 đồng/kg người nuôi còn có lãi nhưng với giá hiện tại thì lỗ nặng.
Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, giá ngao hai cồi luôn ở mức thấp lại khó bán nên anh Hội vẫn để ngao dưới biển không thu hoạch. Bà con nuôi ngao hầu như phá sản bởi giá bán quá rẻ.
“Giá bán như vậy nhưng công thợ lặn và nhân công sàng, nhặt, phân loại lại cao nên nhiều nhà bán được bao nhiêu chỉ đủ trả tiền nhân công, lỗ hết cả giống lẫn tiền lồng. Thậm chí, nhiều nhà lặn lên được ít ngao lại cho hết công nhân chứ không bán, chỉ thanh lý cái lồng với giá từ 3-5.000 đồng/chiếc, không nuôi nữa”, anh Hội nói.
Cảnh mua bán ngao hai cồi tại Vân Đồn.
Với anh Bùi Huy Khánh, người nuôi ngao ở thị trấn Cái Rồng thì anh vẫn còn may mắn vì bán được ngao với giá 50.000 đồng/kg, chỉ lỗ 30.000 đồng/lồng.
Theo anh Khánh, anh chọn nuôi 1 vạn lồng ngao hai cồi ở vùng bãi ngoài, nhiều sóng gió lại không có người nuôi hàu nên ngao lớn nhanh, con to đẹp nên thương lái mua xuất đi Trung Quốc với giá 50.000 đồng/kg. Dù giá rẻ bằng một nửa mọi năm, chịu lỗ 1 nửa nhưng vẫn phải vớt lên để lấy tiền trả nợ.
“Mỗi lồng phải mất 45.000 đồng tiền vốn. Trong khi đó, thu hoạch lên phải mất trung bình 7.000 đồng/kg trả cho thợ lặn, sàng lọc ngao; 2 triệu tiền thuê tàu chở ngao vào bờ. Tính trung bình mỗi lồng lỗ 30.000 đồng”, anh Khánh cho hay.
Dù lỗ nhưng anh Khánh vẫn cho rằng, bản thân mình còn may mắn hơn nhiều hộ dân khác. Bởi những hộ dân nuôi gần bờ, ngao không có thức ăn nên không lớn được. Có hộ nuôi gần 3 năm nhưng con nào to lắm cũng chỉ bán được 30.000 đồng/kg, còn lại chỉ từ 12-18.000 đồng.
Lồng nuôi ngao hai cồi
Thu hoạch hơn 1 vạn lồng nhưng anh Khánh chỉ tiếp tục thả mới từ 5.000-6.000 lồng. Tận dụng số lượng lồng cũ, có sẵn cát, anh Khánh cùng các thành viên trong gia đình tự lặn, tự xúc cát và tự làm nhân giống chứ không thuê người vì thuê lại càng lỗ nặng.
“Cát phải mua 40 triệu/tàu 200m3, còn dư từ vụ trước, giống lại rẻ, lồng có sẵn nên tôi cứ đánh cược với trời. Được ăn thì mừng, không được thì đành chịu chứ biết làm sao”, anh Khánh nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đang có khoảng 3.000 tấn ngao 2 cùi, ngao hoa và hơn 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương; 3.000 tấn hàu cửa sông tập trung chủ yếu tại huyện Vân Đồn, Hải Hà và TX Quảng Yên…đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thị trường truyền thống của nông sản Quảng Ninh ngưng trệ, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương trong vùng có dịch.
Theo Hồng Cảnh/ Dân Việt