Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) vừa đưa ra dự báo cho thấy năm 2021, thị trường lao động TP phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, nhu cầu nhân lực TP trong năm 2021 vẫn cần khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới.
Đa năng
Theo dự báo của Falmi, nhu cầu nhân lực năm 2021 tại TP tập trung ở lĩnh vực kinh doanh - thương mại (20,16%), điện tử - công nghệ thông tin (10,96%) trong tổng nhu cầu, còn lại là các ngành khác như: dịch vụ, cơ khí - tự động hóa, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế… Điều đó cho thấy cơ cấu ngành nghề đã có sự chuyển hướng rõ rệt.
|
Công nghệ thông tin đang đẩy tốc độ phát triển nền kinh tế nhanh hơn. |
Dự báo này trùng khớp với dự báo của chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM. Theo ông Tuấn, dự báo nhu cầu thị trường lao động trong giai đoạn 2021 đến 2025 tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng chủ yếu tập trung vào 9 nhóm ngành, nghề gắn với sự phát triển kinh tế số, hay nói cách khác là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Các nhóm ngành mà ông Tuấn đưa ra bao gồm: khoa học máy tính, công nghệ thông tin - kỹ thuật phần mềm - an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện; công nghệ cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ dệt - sợi - may; công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học - hóa, công nghệ nông - lâm - thủy sản; kiến trúc, xây dựng, khoa học môi trường, khoa học vật liệu; thiết kế, mỹ thuật ứng dụng; kinh tế - thương mại, quản trị kinh doanh, marketing - digital marketing , logistics, tài chính; du lịch và lữ hành, dịch vụ nhà hàng - khách sạn; khoa học xã hội - luật - quản trị nhân sự và ngôn ngữ; y, dược, chăm sóc sức khỏe - chăm sóc sắc đẹp; sư phạm kỹ thuật, sư phạm giáo dục, tâm lý - xã hội.
Trong đó, ông Tuấn đặc biệt lưu ý đến khái niệm "nhân lực trình độ quốc tế" bởi theo vị chuyên gia này, xu thế phát triển như hiện nay, không thể tách rời với thế giới mà có thể nói đi cùng với hội nhập kinh tế và hội nhập sâu rộng về con người. Do đó, nhân lực trình độ quốc tế là lực lượng không thể thiếu nếu muốn cuộc đua vị trí việc làm, cuộc đua sản phẩm công nghệ được sòng phẳng. Ông Tuấn cũng đưa ra các tiêu chuẩn cho nhân lực tiêu chuẩn quốc tế cần có gồm: đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi - dễ chuyển đổi điều kiện công việc, dễ đào tạo nâng cao, kỹ năng mềm, ngoại ngữ thành thạo, năng suất lao động cao, tầm bao quát tốt và khả năng sáng tạo độc lập.
Những công việc "hốt bạc"
Bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc điều hành Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 7, TP HCM), cho rằng ngoài những ngành nghề truyền thống, trong năm 2021 sẽ chứng kiến nhiều ngành nghề mới nổi và sự chuyển hướng của một số ngành nghề nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới cũng như hệ quả do dịch bệnh để lại. Đặc biệt với sự điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam sẽ chứng kiến một số thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội.
Là chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, việc làm, bà Khanh cũng đưa ra dự báo 10 nghề sẽ bùng nổ trong năm 2021 và những ai làm việc trong những nghề này sẽ "hốt bạc" bởi các nhà tuyển dụng sẵn sàng mở hầu bao chi mạnh cho những vị trí đặc biệt quan trọng này. Nhà khoa học dữ liệu làm việc trong lĩnh vực công nghệ đứng đầu danh sách này. Nhân sự khoa học dữ liệu là chuyên gia sử dụng các phương pháp thống kê khác nhau, kỹ thuật phân tích dữ liệu để đưa ra các kết luận kinh doanh quan trọng cho doanh nghiệp (DN). Giám đốc sản phẩm đứng vị trí thứ hai. Nhân sự này là người quản lý, chịu trách nhiệm về việc phát triển sản phẩm cho một cơ quan, DN nên vị trí giám đốc sản phẩm được trọng dụng. Vị trí này đòi hỏi những người có tư duy chiến lược, hiểu dữ liệu, năng lực kinh doanh và xu hướng thị trường.
Kiến trúc sư nền tảng điện toán đám mây và lập trình viên lần lượt giữ vị trí thứ 3 và thứ 4. Kiến trúc sư nền tảng điện toán đám mây là người chịu trách nhiệm quản lý các kiến trúc điện toán đám mây trong toàn bộ hệ thống. Họ giúp các DN bảo đảm các rủi ro, chuyển đổi thông tin sang điện toán đám mây thành công và tiết kiệm. Còn lập trình viên là một nhà phát triển đa năng, có kinh nghiệm và hiểu biết sâu cả về phần mềm và phần cứng. "Bác sĩ phẫu thuật, nha sĩ, giám đốc điều hành, y tá - điều dưỡng, phi công và nghề quản lý hệ thống thông tin là những nghề tiếp theo trong danh sách những ngành nghề dự đoán cho thu nhập cao nhất trong năm 2021. Theo tôi, đây là những ngành nghề sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới bởi khởi nghiệp công nghệ đang gặt hái được nhiều thành tựu. Các công ty công nghệ lớn của thế giới cũng đang hiện diện tại Việt Nam và đó là cơ hội cho nhân lực của các ngành nghề trên" - bà Khanh cho biết thêm.
Xây dựng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế
"Nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của TP HCM xoay quanh 8 ngành nghề gồm: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị. Đây sẽ là những ngành đào tạo cần phải nâng cao toàn diện để có được một đội ngũ nhân lực có trình độ chuẩn quốc tế giúp TP HCM "khỏe" hơn trong cuộc đua đưa TP cất cánh trong kỷ nguyên 4.0. Đặc biệt là TP Thủ Đức vừa được thành lập sẽ có cơ hội tăng tốc thần lỳ trong thập kỷ tới" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Giang Nam/NLĐ