Trong năm 2023, những cơn gió ngược chiều bao gồm (1) Áp lực lạm phát tăng lên, (2) Hoạt động xuất nhập khẩu chậm dần, (3) Môi trường lãi suất ở mức cao, (4) Rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ tạo ra thách thức cho mục tiêu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy một số yếu tố tích cực đan xen có thể bù trừ cho các yếu tố bất lợi trên như (1) Tỷ giá duy trì mức ổn định, (2) Trung Quốc mở cửa, và (3) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Do đó, BSC cho rằng các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn Giảm tốc, điển hình bởi đa số các dấu hiệu như lạm phát bắt đầu tăng, lãi suất huy động đã tăng và duy trì mức cao, giá cổ phiếu vẫn trong giai đoạn điều chỉnh.
Do đó, việc bước qua giai đoạn phục hồi sẽ cần thêm một số yếu tố quan trọng bổ sung bao gồm (1) Lãi suất huy động và cho vay cần tạo đỉnh và hạ nhiệt, (2) Lạm phát tạo đỉnh và giảm lại và (3) Giá cổ phiếu hình thành xu hướng tăng bền vững.
Trong bối cảnh đó, BSC cho rằng ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không, vận tải dầu, dầu khí và công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông là những ngành khả quan trong 9 tháng cuối 2023.
Trong khi đó nhóm trung lập khá nhiều như ngành cảng biển, thép, xây dựng, tiêu dùng bán lẻ, vận tải hàng không, ô tô, săm lốp, chăn nuôi, phân bón, hoá chất và điện.
Ngược lại, có 4 nhóm ngành được đưa vào kém khả quan gồm bất động sản thương mại, vận tải container, thuỷ sản và dệt may.
Theo BSC, các yếu tố hỗ trợ tích cực: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách tài khóa; Sửa đổi nghị định 65 liên quan đến quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản; Trung Quốc mở cửa; Xu hướng lãi suất hạ nhiệt từ năm 2023.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các yếu tố rủi ro khó khăn: Rủi ro suy thoái ở Mỹ và EU; Rủi ro nền KQKD cao của nhóm cổ phiếu chu kỳ đi kèm giá hàng hóa giảm mạnh; Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại.
Minh An