|
Ông Zhang là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của GenScript Biotech Corp. - Ảnh: Bloomberg. |
Lou Jing đã lấy bằng tiến sỹ tại Đại học Fordham của Mỹ trước khi hoàn thành chương trình học sau tiến sỹ tại Học viện Y tế Quốc gia Mỹ. Frank Zhang lấy bằng Đại học Duke và từng có thời gian làm cho công ty Schering-Plough Corp ở New Jersey.
Ngoài việc đều từng học ở Mỹ, hai người Trung Quốc này còn có một điểm chung khác: họ là hai trong số ít nhất 15 tỷ phú đến từ ngành công nghiệp dược phẩm đang phát triển bùng nổ của nước này. Trong bối cảnh Bắc Kinh gần đây ban hành những quy định mới nhằm đẩy nhanh việc phê chuẩn thuốc, ngành công nghiệp dược của Trung Quốc đã vươn lên vị trí lớn thứ nhì thế giới.
Ông Lou, 55 tuổi, là Chủ tịch của 3SBio Inc. Ông nắm quyền sở hữu 26% công ty này, trực tiếp và cả gián tiếp thông qua các công ty khác do cha và vợ ông điều hành. Mức cổ phần này mang đến cho ông Lou khối tài sản ròng cá nhân 1,8 tỷ USD, theo ước tính của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Trong vòng 5 năm qua, tài sản của ông Lou tăng gấp hơn 30 lần, sau khi ông rút niêm yết công ty khỏi sàn Nasdaq ở Mỹ và đưa về niêm yết tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục vào năm 2013. Ở thời điểm đó, giá trị vốn hóa thị trường của 3SBio mới chỉ đạt 392 triệu USD.
Hai năm sau, cổ phiếu công ty sản xuất thuốc chữa ung thư và chống giảm tiểu cầu này bắt đầu được giao dịch tại thị trường Hồng Kông. Hiện nay, giá trị vốn hóa của công ty đạt 7,3 tỷ USD.
Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng dân số lão hóa. Liên hiệp quốc dự báo đến năm 2030, số người Trung Quốc trên 65 tuổi sẽ vượt số người Trung Quốc từ 14 tuổi trở xuống.
"Với tình hình dân số ở Trung Quốc và với chi phí chăm sóc y tế gia tăng, cũng như chương trình cải tổ y tế, chúng tôi cho rằng mình là một trong những công ty có vị thế tốt nhất để hưởng lợi từ những xu hướng này", ông Bo Tan, Giám đốc tài chính (CFO) của 3SBio, nói với hãng tin Bloomberg.
Ông Zhang là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của GenScript Biotech Corp, công ty đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc cho phép thử nghiệm loại thuốc chống ung thư máu có tên CAR-T trên cơ thể người.
Kể từ khi tuyên bố này được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, giá cổ phiếu GenScript đã tăng hơn gấp đôi. Ông Zhang hiện nắm 21% cổ phần công ty, tương đương giá trị tài sản ròng 1,3 tỷ USD.
Ông Zhang, 53 tuổi, đã học ngành sinh hóa tại Đại học Duke. Ông cũng từng là nghiên cứu sinh sau tiến sỹ và một nhà khoa học chủ chốt tại Schering Plough trước khi thành lập GenScript tại New Jersey vào năm 2002. Công ty này có cơ sở nghiên cứu và sản xuất chính ở Nam Kinh, Trung Quốc, và có thỏa thuận hợp tác với Janssen Biotech, một công ty con của Johnson & Johnson.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm nay, ông Zhang cho biết có ý định trong 3 năm tới sẽ niêm yết riêng Najing Legend Biotech, bộ phận sản xuất thuốc chữa ung thư của GenScript, trên sàn Nasdaq hoặc Hồng Kông.
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt. Năm ngoái, doanh thu của 253 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm của nước này được Bloomberg khảo sát đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 26%.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc "đã chứng minh hiệu quả tài chính, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vững vàng, dẫn trước tất cả các ngành khác", nhà phân tích Zhang Jialin thuộc ICBC International ở Hồng Kông nhận định. "Các chính sách ưu đã đang đươc nhà chức trách triển khai để thúc đẩy việc kiểm tra và phê chuẩn thuốc".
Một ví dụ điển hình là công ty dược phẩm Chongqing Zhifei Biological Products Co. với doanh thu năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Giá cổ phiếu công ty này hiện đã tăng 65% so với đầu năm, nhờ việc nhà chức trách Trung Quốc cho phép công ty tiếp thị một loại vaccine chống HPV hợp tác sản xuất với Merc & Co.
Tốc độ tăng giá cổ phiếu của Chongqing Zhifei đã đưa khối tài sản ròng của ông Jiang Rensheng, 64 tuổi, Chủ tịch công ty, đạt 4,7 tỷ USD. Với khối tài sản này, ông Jiang lọt top 500 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Bloomberg.
Theo Diệp Vũ/VnEconomy