Một tuần sau khi hàng loạt công ty phương Tây, từ Exxon Mobil, BP đến Shell thông báo rút khỏi Nga, có vẻ như sóng gió với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga dường như chỉ mới bắt đầu.
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga vào nước này. Đây là đòn trừng phạt bổ sung với Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Chỉ trước đó vài giờ, Shell – hãng dầu lớn nhất châu Âu – thông báo ngừng mua dầu khí Nga.
Đối với các công ty dầu mỏ, 3 thập kỷ cần mẫn gây dựng việc kinh doanh tại đây đã nhanh chóng tan thành mây khói. Sự tham gia của phương Tây vào Nga vài năm gần đây cũng đã giảm sút, một phần do phản đối việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
|
Bồn chứa dầu tại cơ sở lọc dầu RN-Tuapsinsky của Rosneft tại Nga. Ảnh: Bloomberg |
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga có thể sẽ phải trải qua một cuộc cải tổ khó khăn về cách thức hoạt động kinh doanh trong vài tuần, tháng và thậm chí là những năm tới. Trong ngắn hạn, thiệt hại gây ra không phải do các công ty dầu lớn rời đi, mà dầu khí Nga giờ bị giới buôn xa lánh.
Trước xung đột tại Ukraine, dầu Nga là nhiên liệu quan trọng ở Châu Âu và nhiều thị trường khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi chiếm khoảng 7% kim ngạch nhập khẩu. Nhưng hiện tại, dầu Urals của Nga thậm chí không tìm được người mua, nếu có cũng với giá rất thấp. Ngoài Mỹ, một số nước khác cũng đang cân nhắc có nên áp lệnh cấm nhập khẩu với dầu Nga hay không.
Câu hỏi mà ngành công nghiệp Nga ngay lập tức phải đối mặt là liệu có nên giảm sản xuất hay không. Nga hiện sản xuất khoảng 10% nguồn cung dầu của thế giới. Tatiana Mitrova – chuyên gia về dầu Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu Columbia cho biết: "Chẳng có lý do gì để sản xuất nhiều lên nếu bạn không bán được hàng".
Các công ty Nga sẽ tìm người mua mới ở châu Á và các khu vực khác, nơi mà vấn đề về Ukraine ít được quan tâm hơn. Bà Mitrova nói rằng theo thời gian, "dòng chảy dầu khí khổng lồ sẽ đổi hướng từ châu Âu sang nơi khác, đầu tiên là tới Trung Quốc".
|
Xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung ở Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: Reuters |
Dù vậy, theo New York Times, trong dài hạn, tương lai của ngành năng lượng Nga khá mù mờ. Chẳng hạn, Nga khó bán được khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc với mức giá cao mà các nước giàu tại phương Tây như Đức và Italy đang trả.
Bên cạnh đó, sản lượng của mỏ dầu Tây Siberia và nhiều cơ sở lâu đời hơn đang giảm. Chính chúng đã giúp Nga trở thành nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhiều thập kỷ qua. Các mỏ mới đang được Nga khai thác quanh Bắc cực thì "nổi tiếng với môi trường hoạt động khắc nghiệt và chi phí cao", theo một nghiên cứu gần đây của hãng nghiên cứu Energy Aspects.
Trong quá khứ, các công ty phương Tây đã tiếp quản nhiều dự án khó, như khoan thăm dò ngoài khơi và khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Vì thế, vấn đề hiện tại là vốn và chuyên môn cho các dự án thế này giờ sẽ lấy từ đâu. Đơn cử như, dự án dầu Vostok (trải dài khắp khu vực phía Bắc rộng lớn) "có thể bị gián đoạn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu", gây thêm sức ép lên ngành năng lượng Nga.
Ngày 2/3, Trafigura – công ty Singapore đang cấp một phần vốn cho Vostok - cho biết họ "đang xem xét lại các lựa chọn" liên quan đến 10% cổ phần của mình trong này. Vostok là hy vọng của Nga trong những năm tới.
Tuy nhiên, Mitrova và các chuyên gia khác cho biết ngành năng lượng Nga có thể tiếp tục tăng trưởng thêm một thời gian nữa ngay cả sau khi các công ty lớn rút khỏi đây.
Video: Tổng thống Vladimir Putin sau 2 thập kỷ dẫn dắt nước Nga. Nguồn: VTV TSTC
Hoàng Minh (theo NyTimes)