Lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt
Từ ngày 12/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân, hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,35 điểm %.
Cụ thể, tại kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này sẽ giảm 0,2 điểm % xuống 6,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,2%/năm. Còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, giảm 0,3 điểm % xuống 7,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,35 % xuống 7,45%/năm.
|
Sacombank sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn từ ngày 12/6. (Ảnh minh họa). |
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng từ ngày 12/6, mức giảm 0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6, 12, 13 tháng của HDBank chỉ còn 7,7%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn 36 tháng được nhà băng này giữ nguyên mức 6,9%/năm.
Theo khảo sát, lãi suất huy động cao nhất của nhóm ngân hàng lớn hiện ở mức từ 6,8% đến 7,7%/năm. Bên cạnh HDBank (7,7%/năm) thì top đầu các nhà băng có lãi suất lớn khác có thể kể đến như: SHB (7,7%/năm), VPBank (7,5%/năm), ACB (7,5%/năm). Techcombank, Sacombank, MB đã điều chỉnh xuống dưới 7,5%/năm.
Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) có lãi suất thấp nhất thị trường, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy. Đối với gửi online, lãi suất cao nhất tại những ngân hàng này cũng chỉ có thể đạt 7%/năm.
Nhóm ngân hàng nhỏ vẫn đang dẫn đầu về lãi suất niêm yết, cao nhất là 8,6%/năm tại GPBank, tiếp đến là ABBank (8,5%/năm).
Cùng với việc hạ lãi suất huy động, từ ngày 25/5, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay từ 0,3 - 0,5% với tất cả các khoản vay cũ. Lãi suất vay mới giảm từ 0,5 - 1,2%. Nhóm ngân hàng Big4 đã giảm lãi suất cho vay khoảng 1,2%/năm so với mức đỉnh. Những động thái này được cho là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến bất động sản.
Theo các chuyên gia, lãi suất liên tục hạ nhiệt tác động tích cực tới thanh khoản của bất động sản. Qua đó, kích thích thị trường bất động sản ấm lên.
TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ, khi lãi suất điều hành giảm thì lãi suất vay cũng sẽ giảm. Điều này sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.
Cụ thể, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới. Kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Ngoài ra, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Do vậy, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của khách hàng.
Phản ứng của thị trường BĐS có độ trễ
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, mặc dù lãi suất ngân hàng liên tục giảm nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có những tín hiệu tích cực. Thậm chí, để "phá băng", đã có doanh nghiệp đang chấp nhận giảm 52% giá bán niêm yết để thu hút khách hàng. Có vẻ như khó khăn vẫn bao phủ thị trường địa ốc khi thanh khoản chưa phục hồi rõ rệt trở lại.
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận, nguồn cung thấp, sức cầu giảm, thanh khoản yếu, doanh nghiệp giảm giá bán… là tình trạng khó khăn rõ nét của thị trường địa ốc giai đoạn này.
Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, từ đầu năm 2023, thị trường có khoảng 25.000 sản phẩm là hàng tồn kho từ năm trước. Các dự án nhà ở mới rất hiếm hoi, thiếu hấp dẫn, lãi suất ngân hàng trong vay mua bất động sản vẫn cao, việc vay mua khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm do suy thoái kinh tế khiến lực cầu thị trường giảm mạnh.
|
Một dự án bất động sản ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. |
Theo VARS, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 61% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, một lượng hàng lớn vẫn còn tồn kho đến chủ yếu từ những dự án xây dựng dở dang hoặc buộc phải tạm dừng.
Hiện tại chỉ còn 30 - 40% môi giới bất động sản làm việc do các chủ đầu tư, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I/2023 sụt giảm tới 20% - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo
ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch VARS, trước đây có gói 30.000 tỷ đồng đã ngay lập tức tạo hiệu ứng cho thị trường bất động sản. Với mức lãi suất thấp nên khi đó gói này đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội, lan tỏa giúp thị trường hồi phục nhanh chóng.
Còn với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện vẫn chưa “ăn thua” vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm. Chính vì vậy, ông Lâm cho rằng, cần giảm lãi suất về mức 5%-6% như trước để người mua nhà ở thực có thể tiếp cận và thu hút khách hàng, nhà đầu tư sớm tham gia thị trường.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho hay, gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhưng không đáng kể, chủ yếu là những ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ chưa giảm bởi nhiều vấn đề như e ngại nợ xấu, khát vốn... Còn lãi suất cho vay thì giảm không đáng kể.
Hiện lãi suất huy động vốn đã giảm ít nhất 1% và NHNN cũng đã bơm vào thị trường một lượng tiền lớn. Đây là những yếu tố góp phần dư thanh khoản kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động của các đòn bẩy kinh tế này luôn có độ trễ. Vì vậy, trong hiện tại và ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn chưa thể "nóng" lên, trung hạn và dài hạn có thể có những diễn biến tích cực.
Khánh Hoài (tổng hợp)