Ngân hàng số (Digital banking) là khái niệm dùng để chỉ những ngân hàng có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến, thông qua mạng internet. Các giao dịch ngân hàng số được thực hiện rất đơn giản và nhanh gọn, mọi lúc - mọi nơi, khách hàng không cần đến chi nhánh ngân hàng, tối thiểu hóa các thủ tục liên quan nên khách hàng hoàn toàn chủ động trong các giao dịch của mình.
Ngân hàng số và Ngân hàng điện tử (E-Banking bao gồm các dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking) là hai khái niệm không đồng nhất. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình này là nếu E-Banking mang tính chất là kênh bổ sung cho Ngân hàng trong việc đẩy các sản phẩm dịch vụ hiện có lên các kênh Online thì Ngân hàng số là một mô hình kinh doanh độc lập, làm thay đổi cấu trúc của hệ thống Ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng điện tử chỉ tập trung số hóa một vài tính năng cốt lõi của ngân hàng, trong khi ngân hàng số bao hàm tất cả tính năng, hoạt động của ngân hàng. Tại Việt Nam, những bước nhập cuộc đầu tiên trong cuộc cách mạng “không giấy tờ - không chi nhánh – không giới hạn thời gian” thuộc về Timo, TPBank LiveBank, hay tay chơi mới - OCB OMNI. Tuy nhiên, những “ngân hàng số” này với năng lực phục vụ một số lượng còn hạn chế khách hàng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Do đó, Ngân hàng số vẫn là xu hướng tất yếu và là mục tiêu của các Ngân hàng TMCP nhằm giành lấy ưu thế trong cuộc đua trở thành ngân hàng bán lẻ tốt nhất.
Là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 5 năm liên tiếp (do The Asian Banker bình chọn), Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam - BIDV cũng đã thể hiện quyết tâm trong việc chuyển dịch sang Digital Banking với sự ra đời của Trung tâm Ngân hàng số vào đầu năm 2019.
Những năm gần đây, BIDV luôn dẫn đầu về tăng trưởng quy mô huy động vốn dân cư, tín dụng bán lẻ, thậm chí là nền khách hàng cá nhân và đóng góp ngày càng tăng của dịch vụ. Tuy nhiên tăng trưởng quy mô không phải là đích đến của hoạt động Ngân hàng Bán lẻ BIDV mà quan trọng hơn đó là chất lượng. Quy mô lớn hơn đồng nghĩa với tăng áp lực lên bộ máy vận hành, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng. Quy luật thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất đã chỉ ra rất rõ con đường phải thay đổi phương thức, cách quản trị. Sự tham gia của công nghệ mà cụ thể là các sản phẩm Ngân hàng số như một lực lượng sản xuất mới đánh dấu quá trình thay đổi về chất của hoạt động Ngân hàng bán lẻ BIDV và tạo ra những bước nhảy vọt. Song song với công tác phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như tiếp tục quảng bá rộng rãi thương hiệu Bán lẻ BIDV tới cộng đồng… BIDV xác định công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng giúp BIDV lột xác, từ một ngân hàng truyền thống sang một BIDV mang dáng dấp của ngân hàng hiện đại, nơi mà ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ có mối quan hệ nhân – quả không thể tách rời.
Xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng là bước đi được BIDV lựa chọn để tiến gần với chuyển dịch Ngân hàng số
Theo đó, xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng khép kín trên các ứng dụng ngân hàng di động là một trong những mục tiêu ngay trước mắt của BIDV để khách hàng ngày càng quen thuộc và tăng trải nghiệm với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; xóa dần rào cản đối với sự phát triển của ngân hàng số do thói quen tiêu dùng tiền mặt của khách hàng gây ra. Vượt qua các tính năng thanh toán thông thường, các ứng dụng ngân hàng phải trở thành một công cụ quản lý tài chính, thanh toán, một hệ sinh thái mua sắm, tiêu dùng đa dạng cho khách hàng. Trong hệ sinh thái này, khách hàng có vị trí trung tâm và ngân hàng giữ vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái. Theo đó, mọi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đều xoay quanh nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng. Đây là bước thay đổi căn bản so với tư duy kinh doanh truyền thống từ trước tới nay.
Một trong số các sản phẩm mang dấu ấn công nghệ độc đáo, với nhiều tính năng tiện ích nổi trội và số lượng khách hàng tin dùng ngày càng gia tăng nhanh chóng là ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động BIDV SmartBanking.
Ra đời từ cuối năm 2015, BIDV SmartBanking nhanh chóng trở thành một trong những dịch vụ “hút khách” nhất của BIDV với trên 2 triệu lượt khách hàng đăng ký và tỷ lệ tăng trưởng số lượng giao dịch trên kênh theo cấp số nhân (trung bình tăng 290%/năm). Ứng dụng BIDV SmartBanking được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (IDG) đánh giá là "Sản phẩm dịch vụ sáng tạo độc đáo năm 2017”; Top 10 sản phẩm dịch vụ được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn và Top 100 sản phẩm dịch vụ tin & dùng năm 2018, do thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Bên cạnh các tính năng cơ bản của một ứng dụng quản lý tài chính như chuyển khoản, kiểm tra thông tin tài khoản, gửi tiết kiệm online, dịch vụ thẻ… BIDV SmartBanking còn được tích hợp đa dạng các tiện ích đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí, thanh toán ngày càng cao của khách hàng trong nhịp sống bận rộn hiện nay như: thanh toán QR Pay, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt vé xem phim, tặng quà Online. Với các tiện ích này, khách hàng có thể dễ dàng xử lý tất cả các giao dịch mua sắm chỉ với vài thao tác trên điện thoại di động.
BIDV SmartBanking cung cấp các giải pháp thanh toán toàn diện cho khách hàng
BIDV SmartBanking là minh chứng rõ ràng cho việc Công nghệ đang thay đổi rất nhanh và quyết định thị hiếu của người dùng. Một sự chậm trễ trong việc bắt kịp xu thế tiêu dùng có thể khiến ngân hàng trở nên lạc hậu. Ngược lại, việc đi tắt, đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng (dựa trên kinh nghiệm tại các nước phát triển) cũng cần tính toán đến mức độ sẵn sàng tiếp nhận của người sử dụng. Có như vậy việc triển khai, chuyển đổi ngân hàng số mới có thể thực sự là tương lai gần của ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Bài viết: Phóng viên
Thiết kế: Tuấn Huy