Trước đó, ba ngân hàng lớn trên thị trường là Agribank, Vietcombank và Vietinbank cùng thông báo tăng phí ATM, kéo theo khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước đã quy định khung biểu phí của dịch vụ rút tiền nội mạng và ngoại mạng để buộc các ngân hàng phải tuân thủ.
Trong khung biểu phí này, các ngân hàng tăng như thế nào là do chính sách của từng ngân hàng cũng như sự cạnh tranh giữa các ngân hàng.
|
NHNN chỉ đạo các ngân hàng tạm dừng tăng phí ATM - Ảnh: HỮU KHOA
|
Trước đó, sau một thời kỳ dài duy trì mức phí rút tiền nội mạng ở mức 1.100 đồng/giao dịch (sau thuế), nhiều ngân hàng lớn đã thông báo tăng phí rút tiền nội mạng. Tuy mức tăng vẫn nằm trong khung cho phép của Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng khiến dư luận xôn xao.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm này.
Lý do, theo Ngân hàng Nhà nước, khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào các ngân hàng cần mình bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng để tạo ra sự hài hòa giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ.
Tránh việc tăng phí mà khách hàng chưa hiểu rõ.
Song song đó, các ngân hàng khi tăng phí phải đảm bảo dịch vụ tốt hơn.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng tăng phí để có thể tái đầu tư, duy trì dịch vụ tốt nhưng mức phí phải trong mức chấp nhận được của khách hàng, không được vượt khung phí.
Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết, như việc chia sẻ phí giữa Napas và ngân hàng có máy ATM trong các giao dịch liên mạng, mức phí giữa ngân hàng phát hàng thẻ và các ngân hàng thanh toán…
Theo A.Hòng/Tuoitre