Theo đó, cây mai này xác lập Kỷ lục Việt Nam với tên gọi “Cây mai vàng lâu năm dát vàng hai chữ “Tuệ Sâm” trên gốc đạt Kỷ lục Độc bản Việt Nam”. Ngoài ra, cây mai Tuệ Sâm này còn được Tổ chức Kỷ lục Đông Dương xác lập Kỷ lục với tên gọi “Người sở hữu cây mai lâu năm có thân dát vàng SJC 9999 khắc chữ thư pháp “Tuệ Sâm” đạt giá trị độc bản tại Đông Dương”.
Cây mai vàng độc đáo thu hút nhiều người chơi cây cảnh đến chiêm ngưỡng. Ảnh: Dân Việt.
Chủ nhân cây mai vàng độc nhất miền Tây đang thu hút sự chú ý của nhiều người yêu cây cảnh đến thăm là anh Vũ Đức Đông ở TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Theo anh Đông, cây mai vàng trăm năm tuổi này được anh mua lại từ người khác từ nhiều năm trước.
Sau khi mua về, anh để cây mai phát triển tự nhiên trong khuôn viên vườn nhà. Ban đầu "lão" mai có phần gốc và thân rất sơ sài. Sau một thời gian chăm sóc, anh thấy vết sẹo trên thân cây rất có thẩm mỹ nghệ thuật nên đã tìm họa sĩ về xem và quyết định vẽ lên hai chữ “Tuệ Sâm” dưới dạng chữ thư pháp nổi lên trên phần hốc sẹo và dát 9 chỉ vàng nhìn rất độc lạ.
Khi cây mai vàng được "trang điểm" độc đáo, chủ nhân của nó đã quyết định đưa cây vào trưng bày trong khuôn viên câu lạc bộ mai vàng TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để nhiều người cùng chiêm ngưỡng cái đẹp độc đáo của cây cảnh.
Cây mai vàng được tạo thế dáng độc lạ. Ảnh: Dân Việt.
Cây mai “Tuệ Sâm” thuộc giống mai vàng cổ, có tuổi đời trên 100 năm, có chiều cao từ rễ lên tới ngọn khoảng 2m; hoành đế rộng 3m, cành lá mọc lên từ dưới phần rễ trần có hình dáng như thân rồng uốn lượn rất đẹp. Đặc biệt, trên bệ thân mẹ mọc ra một nhánh mà chủ nhân của cây mai thường ví von với hình tượng “Lão mai sinh quý tử”.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, anh Đông cho biết, sở dĩ anh dát vàng lên thân mai là nhằm che đi vết “sẹo” trên thân. “Do vết “sẹo” có hình dáng khá đẹp nên mình nghĩ có thể viết chữ thư pháp hoặc khắc họa tiết nào đó lên cho thân mai độc đáo hơn”.
"Cây mai này sau khi mua về tôi chưa chỉnh sửa gì cả. Trước đó một thời gian, do ở phần gốc mai có bị tật một vị trí nên tôi mướn người từ TP.HCM xuống dát 9 chỉ vàng SJC lên (2 người thợ làm trong vòng 2 ngày mới xong), trong đó nổi bật hai chữ Tuệ - Sâm".
Cây mai được khắc chữ Tuệ Sâm tạo nên điểm nhấn độc đáo.
Trước khi dát vàng anh luôn chú ý đến vẻ đẹp tự nhiên, không đục đẽo thân cây không ảnh hưởng đến vẻ đẹp vốn có. Việc dát vàng là ý tưởng làm đẹp và làm tăng thêm giá trị cho cây mai.
Ngoài điểm nổi bật là cây lâu năm, cây mai có phần gốc, thân đều rất đẹp, tán lá hoành vươn phóng khoáng, phần gốc của cây mai có rất nhiều nu, bộ rễ lớn có hình dáng như "các con rồng tụ". Không chỉ thế, ngoài điểm đặc sắc được dát vàng, "lão" mai này còn rất nhiều điểm thú vị khiến người chiêm ngưỡng không khỏi xuýt xoa bởi vẻ đẹp vô cùng đặc biệt ở gốc cây.
Một số người chơi cây cảnh khi nhìn thấy cây mai vàng 100 năm từng trả giá 1,8 tỷ đồng để mua cây trên nhưng chủ nhân vẫn chưa bán vì muốn để nhiều người có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc lạ của cây cảnh này.
Nhờ sự phá cách tạo tác nghệ thuật trong cây cảnh mà “vết sẹo” của cây mai trở thành một dấu ấn độc bản đặc biệt có "1 0 2". Có thể thấy, hành trình đưa cây mai vàng mang trên mình vết sẹo trở thành cây mai độc bản sở hữu Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Đông Dương của anh Vũ Đức Đông không chỉ vinh danh sự sáng tạo của người chơi cây cảnh, mà còn trở thành niềm cảm hứng lớn lan tỏa tích cực đến những người chơi cây cảnh trên cả nước.
Theo Trúc Chi/ Người đưa tin