Nhiệm vụ của những nhân viên dọn dẹp hiện trường là làm sạch và khôi phục trạng thái của nơi xảy ra vụ án lại như ban đầu. Để hoàn thành việc dọn dẹp hiện trường, người trong nghề phải trải qua một khóa huấn luyện. Họ được cung cấp những kiến thức về cách xử lý hiện trường khi xảy ra các vụ giết người, tự tử hay tai nạn... Thậm chí, trước khi bước ra ngoài thực tế, họ sẽ phải thực hành dọn dẹp những hiện trường án mạng giả.
Dân trong nghề gọi vui đây là nghề dọn dẹp "bữa tiệc của Tử thần".
Mặc dù là nghề không yêu cầu bằng cấp nhưng không phải ai cũng có thể làm được công việc này. Một người dọn dẹp hiện trường cần phải trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết và liên quan đến một vụ án. Quan trọng hơn, họ luôn phải giữ cho tinh thần ổn định, sự can đảm, khả năng phục hồi khi bị "chấn thương" tâm lý bất chấp nơi cần xử lý sẽ phải kinh khủng đến mức nào. Hiển nhiên đây không phải công việc dành cho người "yếu tim".
Mỗi hiện trường vụ án không giống nhau nhưng dù thế nào, người lau dọn phải đeo đồ bảo hộ toàn thân, phải được tiêm vaccine chống viêm gan. Giả sử, khi lau dọn hiện trường án mạng, nhân viên lau dọn cần sử dụng chất khử trùng y tế để lau sạch toàn bộ máu dính trên mọi bề mặt, thu thập phân, dịch cơ thể và các mảnh thi thể bị bỏ lại, sau đó là tháo dỡ và vứt bỏ ga trải giường, thảm trải sàn, rèm cửa sổ không thể giặt sạch.
Nếu trong trường hợp thi thể bị phân hủy trong thời gian dài, nhân viên lau dọn đôi khi buộc phải tháo dỡ và dựng lại sàn nhà, trần nhà, tường bao, thậm chí là ống thông khí để loại bỏ khí độc, dịch cơ thể và cả các loại giòi bọ từ xác chết.
Nguy cơ nhiễm độc cao hơn rất nhiều nếu phải lau dọn cơ sở sản xuất ma túy đá. Các chất dùng để làm ma túy đá như a-xê-tôn, ammonia, ben-zen, axit clohidric đều để lại dư chất độc hại bám vào mọi bề mặt và lan tỏa trong không khí, thậm chí có thể bị hấp thu qua da. Nếu không cẩn thận, người lau dọn có thể bị rối loạn sinh đẻ, con sinh ra khuyết tật, mù lòa, gây hại tới thận, phổi và gan.
Bước cuối cùng trong quy trình lau dọn là vứt bỏ vật nhiễm bẩn. Vì mức độ nguy hiểm, rác thải loại này không thể được vứt vào trong thùng rác bình thường. Công ty lau dọn cần phải có giấy phép đặc biệt để được vận chuyển rác thải từ hiện trường vụ án và phải trả chi phí cao để thiêu hủy trong lò đốt chuyên dụng cho y tế.
Với đặc thù công việc nguy hiểm như vậy, những người làm được sẽ được trả công xứng đáng. Lương của các nhân viên dọn dẹp hiện trường rơi vào khoảng 800.000 USD (18,5 tỷ đồng) một năm.
Neal Smither, sống ở San Fransicsco (Mỹ) cùng với vợ và các con của mình. 25 năm trước, anh đã khởi nghiệp với dịch vụ dọn dẹp hiện trường vụ án. Hiện tại, mỗi năm, Neal có thể kiếm được gần 1 triệu đô la Mỹ (khoảng 23 tỷ VNĐ). Công việc dọn dẹp những vụ tự tử hay giết người đối với anh bây giờ là chuyện thường ngày phải làm, điều này khiến Neal hầu như không cảm thấy chút cảm xúc gì khi tiếp xúc với hiện trường nữa.
Nói về công việc của mình, Neal cho rằng việc anh làm chẳng khác gì những người công nhân dọn dẹp ở ga tàu cả, chỉ có điều nó đặc biệt hơn một chút ở địa điểm và thứ họ phải dọn thôi. Anh cũng không cho rằng mình đang làm một nhà điều tra, Neal nói rằng anh chỉ đơn giản là dọn dẹp hiện trường vụ án.
Cô Leslie, Phó chủ tịch của Tổ chức dọn dẹp và cải tạo Paul Davis Restoration ở Mỹ.
Cô Leslie hiện là Phó chủ tịch của Tổ chức dọn dẹp và cải tạo Paul Davis Restoration ở Mỹ. Kể từ khi bắt đầu công việc này hơn 13 năm trước, cô đã dọn dẹp nhiều hiện trường vụ tự tử và giết người man rợ nhất nhì lịch sử. Leslie cho biết, mọi hiện trường cô từng đến đều rất ghê rợn "không thể tưởng tượng được" mặc dù cô đã mặc trang phục bảo hộ.
Mùi của cái chết thậm chí còn bám vào tóc và da của cô sau khi tắm. "Hãy tưởng tượng mùi rác hôi thối thế nào và những nơi này có mùi gấp hàng triệu lần như vậy", Leslie nói, "Đó là sự mô tả sát nhất tôi có thể nghĩ đến về mùi của cái chết".
Theo Lily / Gia đình & Xã hội