Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng kéo dài, có nơi trên 40 độ. Nắng nóng gay gắt kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Việc sử dụng điều hoà sao cho tiết kiệm điện là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Dưới đây là một vài mẹo nhỏ sử dụng điều hoà vừa mát vừa tiết kiệm điện, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng gay gắt.
Chọn điều hoà có công suất phù hợp với diện tích phòng
Theo các chuyên gia trong ngành, chọn điều hoà có công suất phù hợp với diện tích phòng vừa đảm bảo khả năng làm mát lại tiết kiệm điện. Nếu điều hoà có công suất quá lớn so với diện tích phòng sẽ ngốn khá nhiều điện năng. Trái lại, nếu điều hoà công suất quá nhỏ thì khả năng làm mát kém, buộc phải vận hành mạnh mới đáp ứng được nhu cầu.
|
Chọn điều hoà phù hợp với diện tích phòng. Ảnh: Internet |
Công suất điều hoà phụ thuộc vào diện tích, độ kín của phòng. Cụ thể, phòng dưới 15m2 nên chọn công suất 9000 BTU; phòng từu 15-20 m2 nên chọn công suất 12000 BTU, 20-30 m2 chọn công suất 18000 BTU và 30-40 m2 chọn công suất 25000 BTU.
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Nhiều người có thói quen khi ở ngoài trời nắng nóng vào nhà, lập tức bật điều hoà với mức nhiệt độ thấp nhất để nhanh được làm mát. Trên thực tế, thời gian làm mát của điều hoà là như nhau. Bộ máy bên trong điều hoà luôn chạy hết công suất cho đến mức nhiệt độ ban đầu là 26 độ C.
Nên đặt nhiệt độ trong phòng không quá chênh lệch với bên ngoài (tối đa 7 độ C) vừa tiết kiệm điện vừa tránh bị sốc nhiệt. Tại Việt Nam, mức nhiệt độ phù hợp từ 23-27 độ C. Lưu ý, cứ mỗi khi giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.
Sử dụng chế độ "Dry"
Nhiều người cho rằng để điều hòa ở chế độ Dry biểu tượng hình giọt nước thay cho chế độ Cool sẽ giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cho hoạt động này của điều hòa là khá nhiều.
Trong khi đó, nếu ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát khá nhiều.
Thế nhưng, vào những ngày nắng nóng gay gắt, hãy cài đặt ở chế độ Cool để làm mát căn phòng, tuyệt đối không cài đặt ở chế độ Dry.
Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng chế độ Dry khi nhiệt độ bên ngoài không quá chênh lệch với nền nhiệt trong nhà, phù hợp nhất là khi nhiệt độ bên ngoài không quá 34 độ C.
Không tắt, bật điều hoà liên tục
Để tiết kiệm điện, nhiều người có thói quen bật điều hòa đến khi phòng mát thì tắt và bật quạt, lúc nóng bật lại điều hòa. Trên thực tế, cách này ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều hòa đồng thời tăng chi phí tiền điện.
Nguyên nhân là quá trình khởi động khiến điều hòa tốn nhiều điện năng để các bộ phật đi vào hoạt động như yêu cầu.
Theo các chuyên gia, người sử dụng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút. Sau khi tắt bằng điều khiển từ xa, nên ngắt luôn áp-tô-mát. Nếu không, thiết bị vẫn hoạt động và tiêu hao một lượng điện đáng kể.
Hẹn giờ tắt vào ban đêm
Vào ban đêm, cơ thể không đòi hỏi nhiệt độ mát lạnh so với ban ngày. Nếu để điều hoà hoạt động liên tục có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, sử dụng chế độ hẹn giờ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe từng thành viên trong gia đình, thời gian hoạt động của điều hòa sẽ ít hơn, tiết kiệm
Dùng thêm quạt công suất nhỏ
|
Bổ sung quạt khi bật điều hoà giúp tiết kiệm điện. Ảnh: Internet |
Phòng điều hoà nên bổ sung thêm quạt công suất nhỏ giúp hơi mát từ điều hoà phân bổ đều hơn. Bằng cách này, thay vì phải cài đặt nhiệt độ phòng 25 độ C, chỉ cần để 28 độ C với 1 quạt bán công suất nhỏ, giúp tiết kiệm điện tương đối.
Lắp điều hòa ở vị trí hợp lý
Vị trí đặt dàn nóng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và điện năng tiêu thụ của điều hòa. Nếu đặt dàn nóng nơi bí bách khiến hơi nóng khó thoát và tốn nhiều điện hơn.
Tốt nhất, dàn nóng của điều hòa nên được lắp ở nơi có mái che và bóng râm. Ngoài ra, cục nóng cũng cần được lắp cách tường ít nhất 30cm vì nếu cục nóng trực tiếp gắn lên tường hoặc đặt gần thì nhiệt tỏa ra từ cục nóng sẽ làm nóng ngược lại bức tường trong phòng.
Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ
Thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là lọc gió của điều hòa vừa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hòa vừa giúp tiết kiệm điện một cách tối đa trong quá trình sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên vệ sinh điều hòa khoảng 3-4 tháng/lần nếu sử dụng thường xuyên, 6 tháng/lần nếu dùng ít.
Video: Vì sao giá điện tăng? Nguồn: VTV24
Hoàng Minh (tổng hợp)