Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), mới đây tổ chức lễ triển khai thi công đầu năm Giáp Thìn 2024 dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Metro số 2: Bến Thành - Tham Lương) tại nhà ga trung tâm Bến Thành.
Đoàn tàu của Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương được sản xuất bởi Công ty Siemens Mobility, trực thuộc Tập đoàn Siemens (Đức). Siemens Mobility sẽ phụ trách 4 mảng kinh doanh cốt lõi là quản lý di động, dành riêng cho công nghệ đường sắt và hệ thống giao thông thông minh; Điện khí hóa đường sắt; Toa tàu và dịch vụ khách hàng. Công ty này có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ đường sắt và là nhà sản xuất của rất nhiều hệ thống đường sắt cao tốc (metro) cho các quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU).
|
Tàu của Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương do Siemens sản xuất. (Ảnh:MAUR). |
Về Tập đoàn Siemens, doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, với 320.000 nhân viên, doanh thu toàn cầu 78 tỷ Euro vào năm 2023.
Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với 3 chi nhánh văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.
Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Siemens đã tham gia dự án điện mặt trời ước tính đóng góp 1 tỷ kWh điện vào hệ thống điện của quốc gia mỗi năm; là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp truyền tải điện hiệu quả, đã cung cấp thiết bị và giải pháp bảo vệ và tự động hóa cho hàng trăm trạm biến áp 110 kV-220 kV và hàng chục trạm 550 kV tại Việt Nam; thúc đẩy tự động hóa và số hóa tại Việt Nam như giúp Tân Cảng Sài Gòn tối đa năng suất, giảm thời gian giải phóng tàu....
Về hợp tác giao thông vận tải, Siemens đã có các dự án hợp tác với Việt Nam như: dự án nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh; dự án thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; dự án hệ thống chiếu sáng đường sân bay Nội Bài; dự án cung cấp hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) TP.HCM.
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương và Siemens đã ký MOU về phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo.
Trong năm 2023, Tập Siemens gây chú ý khi trúng gói thầu lớn kỷ lục xây dựng đường sắt cao tốc.
Cụ thể, ngày 28/5, Tập đoàn này thông báo đã trúng gói thầu có giá trị lớn nhất từ trước tới nay để xây dựng một trong những mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới cho Ai Cập.
Được biết, gói thầu có giá trị cao kỷ lục 8,1 tỷ Euro mà Siemens Mobility - công ty con và quan trọng nhất của Tập đoàn Siemens, ký với Chính phủ Ai Cập cùng hai Tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors, sẽ xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài 2.000km ở Ai Cập.
Về tình hình kinh doanh, theo thông tin từ Siemens, trong quý I của năm tài chính 2024 (từ 1/10 - 31/12/2023), Tập đoàn này có tổng giá trị đơn hàng là 22,3 tỷ Euro (tương đương 588.000 tỷ đồng), nâng tổng doanh thu của Siemens trong giai đoạn lên 18,4 tỷ Euo (khoảng 491.000 tỷ đồng), tăng 6% so với con số 18,1 tỷ Euro của quý I/2023.
Lợi nhuận mảng kinh doanh công nghiệp đạt tổng cộng 2,7 tỷ euro (khoảng 72.000 tỷ đồng), bằng cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận kinh doanh công nghiệp tăng 0,1%, đạt 15,8%.
Siemens cũng ghi nhận dòng tiền tự do ở cấp Tập đoàn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái lên 1 tỷ euro (26.700 tỷ đồng). Công ty này báo thu nhập ròng tăng 56% lên 2,5 tỷ euro.
Riêng mảng Mobility, ghi nhận doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ euro. Tổng giá trị đơn hàng đạt 5,6 tỷ euro, tăng 92% so với cùng kỳ, do lượng đơn hàng lớn tăng. Lợi nhuận tăng 29% lên 251 triệu euro (hơn 6.700 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận là 9,3%.
Dự án xây dựng Metro số 2 được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 4474/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4880/QĐ-UBND ngày 14/11/2019. Metro số 2 có chiều dài hơn 11 km (trong đó đoạn đi ngầm dài hơn 9 km; đoạn đi trên cao dài gần 2 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao), dự án đi qua địa bàn của 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi: 251.136 m2; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 3.753,610 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 86,69% (508/586 trường hợp).
Công trình có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu u (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách.
Theo MAUR, đoàn tàu Metro số 2 (Bến Thành- Tham Lương) có hố ray 1435mm, cấp điện 750V ray thứ 3. Chiều dài toa xe là 22m. Chiều rộng 3,2m. Số toa: 12 tàu 3 toa (giai đoạn 1), 6 toa/tàu (tối đa). Nhà sản xuất đoàn tàu là Siemens Mobility (Đức).
Khánh Hoài (tổng hợp)