Trên thị trường bất động sản, Tập đoàn Nam Cường từng được biết với hàng loạt dự án bất động sản cao cấp như: Khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Cổ Nhuế (tại Hà Nội), khu đô thị mới Hòa Vượng và Thống Nhất (tại Nam Định), khu văn hóa thể thao và đô thị mới phía Đông, khu đô thị mới phía Tây (tại Hải Dương) và hệ thống khách sạn Nam Cường ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Kiên Giang…
Nam Cường cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khủng nhưng điều bất ngờ là, để có được quỹ đất như vậy, đa phần nhờ Nam Cường thực hiện các dự án BT.
Thế nhưng, điều làm nhiều người xót xa khi loạt dự án lớn của Nam Cường vẫn đang được doanh nghiệp này “ôm ngủ đông” hơn thập kỷ. Nổi bật là khu đô thị mới Dương Nội nằm trong chuỗi các đô thị thuộc dự án trục đô thị phía Bắc Hà Đông với chiều dài 5,7km, mặt cắt ngang 40m đi qua khu đô thị mới Phùng khoang, Dương Nội, cắt đường Lê Trọng Tấn nối với đường vành đai 4.
|
Nhiều phần diện tích đất tại khu đô thị mới Dương Nội vẫn chưa được triển khai, bỏ hoang cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Vietnamfinance). |
Nam Cường “ôm” đất vàng “ngủ đông” đến bao giờ?
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, dự án khu đô thị mới Dương Nội được Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng vào năm 2008, với tổng diện tích đất quy hoạch gần 200 ha, quy mô dân số từ 2.5 - 3 vạn người.
Tiến độ thực hiện dự án này được phê duyệt là 6 năm (2008 - 2013). Trong quá trình triển khai, dự án bị ảnh hưởng do công tác rà soát quy hoạch khoảng 42 tháng (3,5 năm). Năm 2014, dự án được UBND TP.Hà Nội gia hạn tiến độ thực hiện.
Cụ thể, tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trước quý 4/2015, hạ tầng xã hội và các công trình khác hoàn thành vào quý 4/2017. Đến năm 2018, dự án tiếp tục được gia hạn tiến độ thực hiện. Tiến độ thực hiện dự án khu đô thị mới hoàn thành trước quý 4/2020, các công trình hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải bàn giao không bồi hoàn trước quý 4/2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều phần diện tích đất tại khu đô thị mới Dương Nội vẫn chưa được triển khai, bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Tại thời điểm bàn giao quỹ đất của dự án này, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Sau đó, giá đất biến đổi chóng mặt và tăng vọt lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2.
Được biết, Tập đoàn Nam Cường đã rót khoảng 7.600 tỷ đồng vào khu đô thị mới Dương Nội với mục tiêu xây dựng nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại, hồ điều hòa…, đặc biệt được phân các khu khác nhau.
Thế nhưng, phần diện tích đất dành trồng cây xanh, xây dựng trường học lại được xây dựng những trạm điện. Biệt thự liền kề thì “mọc” lên để bán nhưng xây dở dang theo kiểu nửa đồng, nửa vườn, nửa phố, nửa bỏ hoang.
|
Tập đoàn Nam Cường đã rót khoảng 7.600 tỷ đồng vào khu đô thị mới Dương Nội. |
“Tuýt còi” loạt vấn đề ở khu đô thị mới Dương Nội
Tập đoàn Nam Cường là tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản của phía Bắc nhưng “ông lớn” này cũng vướng không ít lùm xùm tại dự án khu đô thị mới Dương Nội.
Theo đó, tháng 8/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về việc kiểm những dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường liên quan đến việc triển khai dự án tại khu đô thị mới Dương Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khu đô thị mới Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính dự án khu đô thị mới Dương Nội, thông tin trên báo Vietnamnet nêu, UBND TP.Hà Nội cho biết, KTNN khu vực I đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán liên quan đến dự án này.
KTNN khu vực I kiến nghị xử lý tài chính khác số tiền là 606 tỷ đồng. Tháng 9/2019, UBND TP đã có văn bản giao Sở Tài chính đôn đốc các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm kiến nghị kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý vốn đầu tư dự án và có báo cáo kết quả thực hiện gửi KTNN khu vực I.
"Do dự án có một số hạng mục chủ đầu tư mới tạm tính và chưa có hồ sơ dự toán, thiết kế, bản vẽ thi công… theo quy định, Tập đoàn Nam Cường và các Sở, ngành, đơn vị vẫn đang tiếp tục thực hiện nội dung này", báo cáo của UBND TP.Hà Nội nêu.
Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội tiếp tục kiểm tra, làm rõ các nội dung theo ý kiến của các Bộ Tài nguyên Môi tường, Tài chính, Xây dựng liên quan đến tố cáo của công dân về vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội nói riêng và quận Hà Đông nói chung.
Tại dự án khu đô thị mới Dương Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ việc xây dựng các trạm biến áp tại các ô đất theo quy hoạch là đất cây xanh và đất trường mẫu giáo có phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội đã được phê duyệt không.
Về vấn đề này, báo cáo của UBND TP.Hà Nội nêu rõ, có 2/3 trạm biến áp xây dựng trên ô đất ký hiệu I-CX02 (đất cây xanh) và ô đất ký hiệu MG-03 (đất mẫu giáo), không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt.
Vì vậy, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án xử lý theo quy định đối với 2 trạm biến áp xây dựng không đúng quy hoạch trên ô đất cây xanh, đất trường mẫu giáo.
Tiền thân của Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1985. Tổ hợp này là chủ đầu tư của các dự án lớn ở Hải Phòng và Hải Dương vào những năm đó.
Cuối năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và chính thức chuyển đổi mô hình Công ty cổ phần vào tháng 8/2009, với tên giao dịch mới là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Mặc dù giữ vị trí Chủ tịch tại Tập đoàn Nam Cường là người phụ nữ mạnh mẽ, đầy tài thao lược trong ngành bất động sản, nhưng bà Lê Thị Thúy Ngà rất hiếm khi xuất hiện trước giới truyền thông.
Đoàn Khang