Giống na bở quý thuần chủng, trồng theo hướng hữu cơ
Cây na bở là thứ cây truyền thống từ lâu đời của người Thủy Nguyên. Người dân các xã hầu như chỉ trồng cây na bở, không trồng lẫn với các loại na khác nên tạo được giống thuần chủng, không lai tạp, rất đặc trưng.
Clip: Anh Nguyễn Minh Tuyển thôn 8, Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) chia sẻ cách áp dụng máy xịt nén bình khí để bảo vệ quả na khi có rệp, rầy bám hút mật khi quả na gần thu hoạch. Thực hiện: Thu Thủy
Gia đình nhà chị Phạm Thị Thêu, anh Nguyễn Minh Tuyển thôn 8, Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) đang trồng hơn 1 mẫu vườn với giống na bở theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Chị Thêu chia sẻ với PV Báo Dân Việt, trước đây, hầu hết các hộ dân trồng na ở Liên Khê chỉ trồng nhỏ lẻ theo hướng tự phát nên năng suất, chất lượng thấp, đầu ra sản phẩm bấp bênh.
Nhưng từ khi gia đình chị Thêu áp dụng mô hình VietGap đến nay năng suất và chất lượng được cải thiện rõ rệt, na bán được giá, có đầu ra ổn định, Na bở của gia đình chị Thêu hái tới đâu bán hết tới đó, nhiều khi cháy hàng không có na để bán.
Cũng theo chị Thêu, để cây na cho quả chất lượng và an toàn, gia đình chị luôn tuân thủ khắt khe các bước chăm bón từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch.
Mỗi sào na bở gia đình chị chỉ trồng từ 28 - 30 cây, khoảng cách từ cây này sang kia là 5m. Trồng như vậy cây na sẽ đón nhận được nhiều ánh sáng, dinh dưỡng hơn, ít sâu bệnh hơn.
Quả na bở khi chín da sáng, mắt hồng. Trồng na bở đã mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Liên Khê, Lại Xuân, Kỳ Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Ảnh : Thu Thủy
Đặc biệt, để na có trọng lượng đủ tiêu chuẩn trên mỗi cây na gia đình chị Thêu cũng chỉ để khoảng 20 – 30 quả. Gia đình chủ động thụ phấn cho những hoa tại phần thân cây để quả na to, phát triển tốt, sáng mã, bán được giá hơn.
Cây na bở đang là thế mạnh là nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở đây, tuy nhiên trồng na khá vất vả nhất là thời điểm thụ phấn và thu hoạch.
Chị Ngô Thị Hiến – một hộ trồng na bở có tiếng tại xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cho biết, gia đình chị đang trồng 2 mẫu na bở theo hướng an toàn. Cây na bở được xếp vào loại cây khó tính, bởi quả na đến vụ thu hoạch chín theo từng giờ.
Với kinh nghiệm của chị Hiến, khi các mắt quả na đã mở đều, thậm chí đã nứt cuống là gia đình chị sẽ phải huy động nhân lực thu hái ngay nếu không nhanh quả na chín sẽ bị tụt nõ rơi hỏng.
"Những lúc na chín rộ cả gia đình soi đèn cắt hái từ 1h đêm đến tận 1h chiều hôm sau mới nghỉ. Ngày cao điểm cả nhà cắt hái một ngày khoảng 4 -5 tạ quả na chín. Hái xong vườn na cả nhà ai nấy mệt phờ chỉ muốn ngủ" – chị Hiến kể.
Nghề trồng na bở vất vả, tỉ mỉ hơn trồng lúa
Anh Nguyễn Minh Tuyển (chồng chị Hiến) thôn 8, xã Liên Khê cho rằng, quả na đến vụ thu hoạch thường hay có muội, rệp bám vào các kẽ quả, gia đình anh phải dùng súng xịt bình nén khí để cho muội, rệp văng xuống đất không bám trở lại được.
Lý giải về điều này anh Tuyển cho biết, theo kinh nghiệm của gia đình trồng na nhiều năm nay thì quả na khi lúc còn bé không hề có muội, rệp, chỉ khi gần chín kiến sẽ tha trứng lên rồi sinh sôi nảy nở làm tổ bấm bên ngoài quả na.
Những quả na có rệp bám gia đình anh dùng súng nén khí xịt vào các kẽ quả na, rệp rơi xuống đất chúng không bám trở lại quả na và sau vài giờ chúng sẽ chết. Vì vậy, na bở khi chín mã luôn sáng đẹp, đảm bảo an toàn với người tiêu dùng.
Hiện, 1kg na bở loại trung bình từ 3- 4 quả/ kg, gia đình anh Tuyển đang bán với giá ổn định từ 90 – 100 nghìn/ kg tại ruộng. Trừ mọi chi phí 1 sào cũng thu về được 9 – 12 triệu đồng hơn nhiều lần cấy lúa và các loại cây trồng khác.
Ông Ngô Văn Giang – Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê cho biết, cây na bở đang phát huy tốt vai trò của loại cây mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Liên Khê, giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Liên Khê.
Sản phẩm na bở Liên Khê đang được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước từ Quảng Bình trở ra, HTX nông nghiệp Liên Khê đang đứng ra bao tiêu cho các hộ dân liên kết sản xuất với hợp tác xã.
Từ năm 2018, sản phẩm na bở Liên Khê được dán tem truy xuất nguồn gốc và hộp đóng gói đảm bảo chất lượng quả tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng. Từ đó đến nay, sản phẩm na bở của Liên Khê đã tiếp cận được thị trường các tỉnh thành phố và được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm.
Năm 2021, sản phẩm na bở trồng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được UBND thành phố Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao càng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân trồng trọt.
Theo Thu Thủy/Dân Việt