Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. 2/3 sản phẩm bị thu hồi là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Sở hữu hàng trăm triệu USD từ cổ phần mì Hảo Hảo
Chủ sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) – được thành lập tại TP HCM từ cuối năm 1993.
Tính đến năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, giá trị 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Ngoài ra, cơ cấu sở hữu Vina Acecookcòn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (1962) – người nắm giữ 25,16% cổ phần.
|
"Ông trùm mì Hảo Hảo" Hoàng Cao Trí. Ảnh: Blueseagroup. |
Ông Hoàng Cao Trí tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, là một kỹ sư cơ điện của Vifon. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành Phó Tổng Giám đốc, rồi gắn bó với công ty suốt từ đó đến nay.
Thống kê năm 2019 cho thấy, Acecook ghi nhận thu thuần 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.660 tỷ đồng. Với quy mô này, hơn 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Sở hữu tài sản tại Blue Sea Group
Bên cạnh đó, "ông trùm" mì Hảo Hảo - Hoàng Cao Trí có nhiều tài sản bất động sản khác tại Blue Sea Group.
Blue Sea Group được thành lập từ tháng 9/2002, do ông Hoàng Cao Trí đảm nhiệm vị trí Giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (SN 1966, vợ của ông Trí) giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Tại thời điểm đó, quy mô vốn điều lệ của Blue Sea Group ở mức 400 tỷ đồng, bao gồm: ông Hoàng Cao Trí (78,185%), bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,815%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (SN 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).
Hệ sinh thái Blue Sea Group của ông Hoàng Cao Trí trải rộng hàng loạt công ty thành viên có ngành nghề đầu tư chính là bất động sản như: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thiên Nga Trắng; Công ty TNHH Khách sạn hòn đảo Hoàng Gia; Công ty TNHH Du lịch Quang Hải, Công ty TNHH Bất động sản Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng và Công ty TNHH Vương Quốc An Sinh.
|
Phối cảnh dự án Edenia Resort Hồ Tràm. Ảnh: Blueseagroup |
Một số dự án bất động sản nổi bật của Blue Sea Group như: Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm quy mô hơn 40ha tại ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Lavender Village nằm trong dự án Violet Valley thuộc Khu phức hợp Bãi Trường, Xã Dương Tơ, Phú Quốc (Violet Valley).
Ở lĩnh vực logistic, Blue Sea Group có 4 hệ thống kho - nhà máy đã và đang được đưa vào khai thác gồm: Kho Đình Vũ - cảng Hải Phòng 12.000m2, Kho tại KCN Tân Phú Trung - Củ Chi 30.000m2, Nhà máy Tân Tấn Lộc – KCN Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh 7.000m2, Kho Thiết Lập – KCN Hòa Phú, Vĩnh Long.
Ngay khi có thông tin mì Hảo Hảo bị FSAI thu hồi, đại diện Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh: "Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào".
Về phía Bộ Công thương, ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất cũng như sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo, miến Good do công ty sản xuất, để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50 của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hoàng Minh