Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, tháng 5 vừa qua, nhập khẩu hàng quả và quả hạch ăn được của quốc gia này đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã chi ra 11,3 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng này, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, Mỹ nhập khẩu quả và quả hạch ăn được nhiều nhất từ thị trường Mexico và Chile, chiếm 62,6% tổng trị giá nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Cụ thể, Mỹ nhập khẩu từ Mexico đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Chile đạt 1,5 tỷ USD, tăng 37,9%.
Việt Nam là thị trường cung cấp quả và quả hạch ăn được lớn thứ 6 cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay, đạt 327,7 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, việc Mỹ tăng mua đã đưa Việt Nam vào top 3 thị trường ghi nhận giá trị nhập khẩu tăng trưởng cao nhất tính đến hết tháng 5/2024.
Tuy nhiên, tỷ trọng quả và quả hạch của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 2,9% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, tăng nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Thanh long là 1 trong 8 loại quả Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ. Ảnh: Phạm Công |
Với dân số trên 330 triệu người, sức tiêu thụ lớn, Mỹ là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm, trong đó có trái cây mùa vụ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam mới có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào thị trường này, gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải thiều, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa. Do đó, còn nhiều dư địa cho trái cây nước ta mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới…
Tuy nhiên, trái cây nhập khẩu vào thị trường Mỹ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật khác nhau, như: đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm, đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm, chương trình bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Trong nửa đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Để khai thác tốt thị trường này, ngành hàng rau quả Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.
Theo Tâm An/Vietnamnet