Nếu bạn còn chưa biết thì việc thử và phân biệt mật ong thật giả đơn giản nhất là dùng với nước lọc.
Cách làm rất nhanh, bạn lấy một cốc nước lọc sạch và nguội rồi nhỏ vài giọt mật ong vào đó.
Quan sát bằng mắt thường nếu thấy viên mật ong rơi xuống tròn vo, không tan và chìm thẳng dưới đáy thì chúc mừng bạn đây chính là mật ong thật và bạn đã mua được hàng chuẩn rồi đấy.
Còn ngược lại nếu viên mật ong rơi xuống nước lại hòa tan thì chính xác là mật ong giả rồi. Lý do là chúng đã được hòa tan vào với đường hoặc hóa chất tạo ngọt khác.
Ngoài thử với nước lọc nguội bạn cũng có thể sử dụng giấy thấm để kiểm chứng chất lượng của mật ong. Cách làm này cũng dễ thực hiện ngay tại nhà và mang lại hiệu quả chính xác.
Bạn cần chuẩn bị một mẫu giấy thấm dầu rồi nhỏ giọt mật ong lên trên.
Quan sát bằng mắt thường nếu thấy giọt mật ong vo tròn, tan chậm hoặc không tan thì đây là mật ong thật. Và ngược lại, giọt mật ong nhanh chóng loãng và thấm vào giấy thì đó không phải là mật ong nguyên chất rồi.
Điều này được lý giải cụ thể là vì trong mật ong có tới 17,2% là nước và lượng nước này có thể khác nhau tùy vào từng loại mật ong và cả thời tiết của mùa thu hoạch. Những điều này sẽ quyết định đến mức độ tan trên giấy thấm. Cũng nhờ cách làm này bạn có thể kiểm tra được độ đậm đặc của mật ong mà mình đã mua nữa.
Mật ong kết tinh liệu có phải là mật ong giả?
Vấn đề về mật ong kết tinh có lẽ là câu hỏi lớn nhất của người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại bởi có một thực tế, nhiều người sau khi mua mật ong về một thời gian thì thấy mật bị kết tinh và cho rằng loại mật đó kém chất lượng. Tuy nhiên theo PGS.TS. Phạm Hồng Thái, đây là một hiện tượng hết sức bình thường bởi mật ong có thành phần chính là hai loại đường Glucose và Frutose (tổng hàm lượng luôn lớn hơn 65%).
Đối với các loại mật có tỉ lệ Glucose cao (thường là mật ong rừng) thì khi gặp lạnh dễ có hiện tượng tách nước dẫn đến kết tinh. Một dẫn chứng cụ thể nhất chính là những loại mật ong rừng của miền Bắc nước ta thậm chí còn kết tinh luôn ở trong tổ mỗi khi có đợt không khí lạnh và nếu ai có dịp đến các vùng cao như Hà Giang, Lào Cai rất dễ bắt gặp cảnh người dân bản địa bán những bánh mật ong kết tinh mà còn được gọi với cái tên là mật ong đá.
“Vì vậy, việc mật ong kết tinh không hề ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của mật và hơn hết sự kết tinh không phải là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của mật ong”- PGS.TS .Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.
Cách đánh giá chất lượng của một chai một ong
Về những phương pháp đánh giá bằng cảm quan đơn giản, theo PGS.TS. Phạm Hồng Thái, người tiêu dùng có thể áp dụng một số cách như sau:
Đầu tiên, một chai mật chuẩn phải có màu sắc đồng nhất, các chai mật quan sát thấy có sự lợn cợn chỗ đậm chỗ nhạt thì nguy cơ cao đấy là mật ong bị pha trộn. Bên cạnh đó, với mật ong rừng thường được vắt trực tiếp bằng tay từ bánh tổ, sẽ có một lượng sáp, phấn hoa hay ấu trùng nổi trên bề mặt.
Chai mật ong chuẩn luôn có màu sắc đồng nhất
Ngoài ra, do mật ong có hàm lượng nước rất thấp (thường dưới 21%) nên chúng có tính hút ẩm mạnh. Vì vậy, để đánh giá một chai mật ong là đặc hay loãng, ta có thể sử dụng một cọng hành nhúng ngập phần lá vào mật để khoảng 5 phút rồi rút ra, nếu mật ong đảm bảo chất lượng về độ đậm đặc sẽ quan sát thấy cọng hành héo đi. Một cách làm khác cũng khá phổ biến là cho một giọt mật lên áo nếu thấy nó có thể lăn tự do trên vải mà không dính ướt thì cũng có thể chứng tỏ nó có độ đậm đặc cao.
Tuy nhiên PGS.TS. Phạm Hồng Thái cũng khuyến cáo người tiêu dùng rằng: “Muốn đánh giá chính xác thành phần dinh dưỡng và chất lượng của một chai mật ong, cần có các phương pháp phân tích phức tạp được tiến hành trong phòng thí nghiệm.
Chính vì vậy, các “mẹo” thủ công nêu trên chỉ mang tính chất tương đối, hơn nữa thủ đoạn làm mật ong kém chất lượng của các gian thương hiện nay ngày càng tinh vi hơn nên để đảm bảo quyền lợi cho mình, tốt nhất người tiêu dùng hãy lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi các đại lý có uy tín trên thị trường”.