Tôm hùm đất (còn gọi là tôm càng đỏ, tôm rồng, crawfish…) có tên khoa học là cherax quadricarinatus là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có thể ăn cả động vật sống, động vật chết lẫn thực vật, gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn. Chúng còn đào hang sâu để trú ẩn nên có thể làm hỏng nền đất hay gây xói mòn bờ sông, bờ suối...
Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau khi xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống tôm hùm đất tại Việt Nam.
Buôn bán tràn lan
Tuy nhiên, gần đây, trong các hội nhóm mua bán hải sản trên chợ mạng, hoạt động mua bán tôm hùm đất diễn ra khá sôi động. Người bán rao bán tôm hùm đất sống với giá 360.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại.
Ngoài ra, nhiều người bán còn quảng cáo tôm hùm đất được nhập khẩu chế biến sẵn, hút chân không và khẳng định không có chất bảo quản, có giá 120.000 - 140.000 đồng/hộp 700 gram.
|
Tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên chợ mạng. |
Liên hệ với tài khoản Facebook H.H đăng bài kèm theo hình ảnh, clip “tôm hùm đất giá siêu rẻ”, PV được người bán giới thiệu “Thị trường đang bán gần 400.000 đồng/kg, nhưng nhờ nhập trực tiếp với số lượng lớn nên giá bên chị chỉ 320.000 đồng/kg. Nếu mua sỉ số lượng lớn thì giá càng siêu đẹp”, tài khoản Facebook H.H quảng cáo.
Tương tự, tài khoản Facebook M.N cũng báo giá tôm hùm đất size 35 - 40 con/kg giá 340.000 đồng/kg, loại xịn hơn size 30 - 35 con/kg có giá 380.000 đồng/kg. Nếu khách mua từ 10 kg trở lên sẽ được tính giá sỉ, khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg.
“Cam kết hàng tươi sống, thịt chắc, gạch nhiều. Nếu khách muốn giao tận nhà ở nội thành TP HCM, chúng tôi hỗ trợ đặt giao hàng và chi phí khách tự trả. Còn khách ở tỉnh lân cận, thì phải mua ít nhất 10 kg, bên này không chỉ tính giá sỉ mà còn bao luôn tiền gửi hàng qua xe khách”, tài khoản Facebook M.N cho hay.
Bên cạnh việc mua bán loại tôm hùm đất sống, nhiều người bán còn quảng cáo tôm hùm đất được chế biến, hút chân không và khẳng định không có chất bảo quản, với giá 120.000 - 140.000 đồng/hộp 700 gram.
Điều đặc biệt, đa số người bán hàng đều không hề hay biết ở Việt Nam cấm mua bán tôm hùm đất. Chủ một tài khoản Facebook T.V - chuyên bán hải sản cho biết: “Tôi thấy mối bán buôn mời chào vì tôm hùm đất là loại đang được ưa chuộng, ăn ngon nên cứ có khách đặt là tôi lấy hàng để bán. Tôi không biết đây là hàng cấm đâu”.
Cấm nhập và buôn bán ở Việt Nam
Theo quy định hiện hành, tôm hùm đất là loại có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Theo đó, tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai gây hại, bị cấm nhập và buôn bán ở Việt Nam.
|
Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai bị cấm nhập và buôn bán ở Việt Nam. |
Thông tin với báo chí, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện Cục Thủy sản không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào nhập tôm hùm đất vào Việt Nam, hàng bán trên mạng là hàng nhập lậu.
Trước tình trạng mua bán tràn lan tôm hùm đất, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này quy định rõ: Ngoại trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, người nào có hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng.
Kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất giống thuỷ sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản.
Ngoài ra, việc nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại cũng có thể đối diện với xử phạt hình sự.
Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại”, thìngười nhập khẩu các loài ngoại lai xâm hại (cả động vật và thực vật) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 2 khung hình.
Khung thứ 1: Bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khung thứ 2: Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thiên Bảo