“Mốt” sở hữu nhiều hộ chiếu của nhà giàu thế giới

Google News

Hiện có khoảng hơn 20 quốc gia khác trên thế giới sẵn sàng cấp "hộ chiếu thứ 2" cho người nước ngoài có tiềm lực tài chính...

Malta, một trong những nước châu Âu có chính sách cấp quốc tịch cho nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Alamy/SCMP.
Hộ chiếu thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư, được cấp bởi các quốc gia khác nhau, giờ đã được xem là thứ phụ kiện phải có của nhiều tỷ phú, triệu phú trên thế giới.
Israel - quốc gia mới đây giúp tỷ phú Nga Roman Abramovich thoát khỏi rắc rối về thị thực (visa) Anh bằng nhập tịch cho vị tỷ phú này - có chính sách nhập tịch miễn phí cho bất kỳ người Do Thái nào muốn chuyển tới đó. Ông Abramovich là một người gốc Do Thái.
Nở rộ bán quốc tịch
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, hiện có khoảng hơn 20 quốc gia khác trên thế giới - bao gồm nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) - sẵn sàng cấp quốc tịch cho một người có tiềm lực tài chính. Chính sách này thường được gọi là chương trình địa vị công dân dựa trên vốn đầu tư (Citizenship-by-investment programs - CIP) và đang phát triển mạnh mẽ.
Tùy từng quốc gia, chi phí để được nhập tịch dao động từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD. Người muốn nhập tịch sẽ đầu tư số tiền tương ứng vào bất động sản hoặc cơ sở kinh doanh, mua trái phiếu chính phủ, hoặc tài trợ tiền mặt trực tiếp để đổi lấy địa vị công dân và một quyển hộ chiếu.
Một số nước không bán thẳng địa vị công dân, nhưng có chương trình "visa vàng" (golden visa), cấp phép cư trú cho nhà đầu tư mà sau 5 năm, nhà đầu tư có thể nhập quốc tịch.
Các chương trình này không phải là mới, nhưng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, hút các nhà đầu tư tư nhân giàu có từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mexico, Brazil, cũng như Trung Đông, và gần đây hơn là Thổ Nhĩ Kỳ.
Chương trình đầu tiên như vậy trên thế giới được mở vào năm 1984, một năm sau khi St Kitts and Nevis, một đảo quốc nhỏ vùng Caribbean, giành độc lập khỏi Anh. Chương trình khởi đầu chậm chạp, nhưng tăng tốc mạnh sau năm 2009 khi người mang hộ chiếu St Kitts and Nevis được quyền đi lại không cần thị thực tới 26 nước trong khu vực Schengen.
Đối với các nước nghèo, việc bán quốc tịch có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp họ trả được nợ nần, và thậm chí quốc tịch trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của một số nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính số tiền mà St Kitts and Nevis thu về từ CIP trong năm 2014 chiếm 14% GDP của nước này. Một số ước tính khác cho rằng CIP đóng góp tới 30% ngân sách của St Kitts and Nevis.
Những nước giàu hơn như Canada, Anh và New Zealand cũng nhận thấy tiềm năng của CIP. Chẳng hạn, chương trình EB-5 của Mỹ mang lại 4 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sức hút từ hộ chiếu của các quốc gia này nằm ở nền kinh tế ổn định và môi trường đầu tư an toàn, thay vì quyền tự do đi lại.
Tuy nhiên, các chương trình CIP cũng vấp phải một số sự chỉ trích. Chẳng hạn, Malta đã bị nhiều nước cùng trong Liên minh châu Âu (EU) lên án vì cấp quốc tịch ồ ạt cho người nước ngoài. CIP của một số nước khác bị cáo buộc có sự gian lận.
Theo IMF, Malta đã nhập tịch cho hơn 800 cá nhân giàu có trong vòng chỉ 3 năm sau khi triển khai CIP vào năm 2014. Các nhà phê bình nói chương trình này xói mòn khái niệm công dân EU, đặt ra nhiều rủi ro an ninh, và có thể mở đường cho nhiều người giàu, chẳng hạn từ Nga, lạch lệnh trừng phạt.
Giá cả đa dạng
Các chương trình CIP nổi tiếng nhất, và có giá "mềm" nhất, là của các nước vùng Caribbean, nơi có khí hậu ấm áp, yêu cầu đầu tư thấp, và không đòi hỏi nhiều về thời gian cư trú. 5 nước Caribbean hiện có CIP, trong đó cho phép người được nhập tịch có quyền đi lại ở EU không cần thị thực, gần đây đã giảm giá chương trình nhằm hút vốn cho nỗ lực tái thiết sau những cơn bão lớn.
Một người nước ngoài sẽ ngay lập tức được cấp hộ chiếu St Kitts and Nevis nếu tài trợ 150.000 USD cho quỹ giảm nhẹ thiên tai của nước này. Đối với chương trình của Antigua, Barbuda và Granada, chi phí giảm còn 100.000 USD, bằng với mức của St Lucia và Dominica.
Tại châu Âu, khoảng một nửa số quốc gia thành viên EU có chính sách trao quyền cư trú hoặc địa vị công dân dẫn tới được cấp hộ chiếu EU - cuốn hộ chiếu có thể cho phép người sở hữu đi lại không cần visa tới 150-170 nước và vùng lãnh thổ.
Chương trình nhập quốc tịch Malta đòi hỏi khoản tài trợ 675.000 Euro (787.695 USD) cho quỹ phát triển quốc gia của nước này và số tiền mua bất động sản từ 350.000 Euro.
Để trở thành công dân Cyprus, một người nước ngoài cần đầu tư 2 triệu Euro vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu chính phủ hoặc bất động sản. Ở Bulgaria, cần 500.000 Euro là được quyền cư trú, khoảng 1 triệu Euro là có thể được nhập tịch.
Tại các nước khác như Latvia, Hy Lạp, Tây Ban Nha… người nước ngoài có thể được quyền cư trú nếu có khoản đầu tư từ 65.000-500.000 Euro tùy từng nước. Thời gian cư trú trước khi được cấp địa vị công dân cũng khác nhau tùy từng nước, như ở Tây Ban Nha lên tới 10 năm.
Thái Lan hiện có các gói "cư trú cao cấp" có giá từ 3.000-4.000 USD mỗi năm cho thời gian lên tới 20 năm, bao gồm các dịch vụ như kiểm tra sức khỏe, spa, ưu đãi giải quyết các thủ tục với các cơ quan công quyền…
Chương trình thị thực EB-5 của Mỹ, thường được các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, có giá từ 500.000 USD đến 1 triệu USD, tùy thuộc vào loại đầu tư. Chương trình cấp thẻ xanh cư trú mà người được cấp về sau có thể được cấp hộ chiếu Mỹ.
Canada đã đóng cửa chương trình nhập cư dựa trên đầu tư có chi phí 800.000 Đôla Canada, tương đương khoảng 617.000 USD, vào năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay nước này có một chương trình tương tự, với chi phí trên 1 triệu Đôla Canada, dành cho "các công ty khởi nghiệp (startup) sáng tạo".
Australia yêu cầu khoản đầu tư 1,5 triệu Đôla Australia (1,1 triệu USD) và khối tài sản ròng 2,5 triệu Đôla Australia để được quyền cư trú, về sau được nhập tịch. Ở New Zealand, nhà đầu tư có thể được nhập tịch nếu rót vốn 10 triệu Đôla New Zealand, tương đương 6,9 triệu USD.
Theo An Huy/Em đẹp