Chuyến du lịch gần nhất của Nguyễn Quốc Thịnh (24 tuổi, Hà Nội) diễn ra vào tháng 6 năm ngoái, theo chương trình của công ty. Anh cùng đồng nghiệp, bạn bè lần lượt lên kế hoạch trekking Hang Én (Quảng Bình) vào tháng 9/2020, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang) dịp cuối năm nhưng đều bất thành do dịch COVID-19.
Là một người đam mê xê dịch, việc phải làm việc tại nhà nhiều tháng qua khiến Thịnh “cuồng chân”. Hiện, anh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhưng thắc mắc chưa biết khi nào mới được phép đi du lịch trở lại.
Một số doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận với Zing, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch và người dân vẫn chưa được tự do đi lại trong nước. Muốn phục hồi ngành du lịch, mà trước hết là du lịch nội địa, cần có những bước đi an toàn, phù hợp, chắc chắn.
|
Ảnh minh họa. |
Ưu tiên khách Việt đi du lịch trong nước
Trao đổi với Zing, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, nhìn nhận việc áp dụng thẻ thông hành xanh cho đi lại trong nước và “hộ chiếu vaccine” cho đi lại quốc tế có thể sẽ là lựa chọn hữu dụng nhất để cứu ngành du lịch nước nhà.
Theo ông Nghĩa, việc đầu tiên cần làm là đơn giản hóa thẻ xanh bằng cách số hóa theo mã code QR trên bình diện quốc gia cho tất cả người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Mục đích của việc làm này nhằm kiểm tra, giám sát người dân khi di chuyển.
“Việc áp dụng thẻ xanh cũng phải được hoạch định song song với các phương án di chuyển xanh, tuyến đường chuyển xanh nhằm đảm bảo 100% sự ổn định trong lưu thông giữa các tỉnh thành, tránh việc tỉnh này nói A tỉnh kia nói B gây cản trở việc lưu thông của người dân hay doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành cũng cần phải tạo ra các hoạt động văn hóa, các sự kiện công cộng xanh nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân và du khách. Việc áp dụng này nên làm từng bước thí điểm và khoanh từng vùng, từng tỉnh nhằm kiểm chứng hiệu quả; tránh làm dồn dập áp dụng đại trà, quản lý lỏng có thể làm dịch thêm bùng phát.
|
Du lịch cần sống chung an toàn với dịch COVID-19 và bước đi đầu tiên trong quá trình mở cửa trở lại là du lịch nội địa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp. |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết trước dịch, việc quảng bá và gom khách tại các thị trường quốc tế mất từ 6 tháng trở lên, do đó thực thi kế hoạch này cần thêm thời gian. Việc ưu tiên và thiết thực nhất hiện nay là tập trung vào khách Việt Nam đi du lịch trong nước.
“Việc áp dụng thẻ xanh đối với ngành du lịch trong nước là một ý kiến hữu ích. Người được tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi sẽ được nới lỏng, đi lại tự do nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm qui chuẩn an toàn, phòng chống dịch bệnh”, bà Khanh nói.
Đối với việc mở du lịch cho một địa phương, Vietravel cho rằng quan trọng nhất là phải chuẩn bị hệ thống y tế. Tiếp đó là xây dựng quy trình quy chuẩn và phải có đào tạo, hướng dẫn cho những người sẽ tiếp nhận khách về quy trình, quy chuẩn an toàn.
Mở cửa lại thế nào cho an toàn?
Theo ông Phạm Duy Nghĩa, việc mở cửa ngành du lịch trở lại cần đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch và phải có một lộ trình phù hợp.
Trong lộ trình ấy, bước đầu tiên là phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để có được miễn dịch cộng đồng. Điều này không chỉ tạo tâm lý phát triển kinh tế và làm du lịch cho người dân trong nước, mà còn tạo sự tin tưởng và an toàn cho du lịch quốc tế khi lựa chọn Việt Nam trong điểm đến của mình.
Thứ hai là Chính phủ và các cấp chính quyền cần đưa ra nhiều giải pháp, phương án, các gói tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và quay trở lại sản xuất kinh doanh ổn định. Khi đó, người dân mới có nguồn thu và an tâm khi lựa chọn đi du lịch nếu có thời gian và cơ hội.
|
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chương trình du lịch cần phải được tổ chức khép kín, có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ. Ảnh: Thanh Đức. |
Thứ ba, mỗi địa phương hay mỗi doanh nghiệp du lịch căn cứ vào tình hình thực tế, lựa chọn hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ du lịch phù hợp để ưu tiên mở và đảm bảo tuyệt đối an toàn khi phục vụ khách. Bên cạnh đó, tạo ra các vùng xanh an toàn, sản phẩm dịch vụ xanh nhằm phục vụ cho du khách.
Đại diện Vietfoot Travel lấy ví dụ các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao hay các hình thức kinh doanh kín trong nhà thì chưa nên mở cửa ngay hoặc hạn chế. Ưu tiên các hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động du lịch ít tiếp xúc và ở không gian rộng như sản xuất nông nghiệp ngoài trời, công trường xây dựng ngoài trời, du lịch dã ngoại bằng các phương tiện cá nhân, xe tự lái...
Thứ tư, các doanh nghiệp phục vụ du lịch phải xây dựng các phương án đón khách rõ ràng, cụ thể từ khi khách bắt đầu đặt chân lên máy bay tại điểm đầu các nước đến khi hạ cánh tại Việt Nam. Đồng thời, đón tiếp và phục vụ từ sân bay đến các địa điểm lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng tạo thành một vòng tròn khép kín có sự kiểm soát chặt chẽ.
“Các đơn vị tham gia phục vụ chương trình cũng cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CDC của các địa phương nhằm theo dõi quá trình di chuyển và tiếp xúc của khách hàng theo các mã QR theo dõi”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, các lao động trong ngành du lịch trực tiếp tham gia phục vụ khách hàng cần được ưu tiên tiêm các loại vaccine quốc tế theo quy định của WHO.
Tại chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt 4" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 28/9, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh tiêu chí an toàn là yêu cầu bắt buộc cho ngành kinh tế du lịch trong trạng thái "sống chung với COVID-19".
Trong tiến trình mở cửa trở lại, các chương trình du lịch phải tổ chức theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ. Có báo cáo đánh giá sau khi kết thúc và theo dõi xử lý tình huống có thể xảy ra đối với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi trong một thời gian nhất định.
Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng phải chọn những điểm đến bảo đảm tiêu chí an toàn; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn. Tại các điểm đến thuộc "vùng xanh", chỉ phục vụ số lượng khách không quá 30% công suất.
Với các cơ sở lưu trú, bố trí phòng ngủ 2 người/phòng trở lên theo gia đình hoặc nhóm có cùng yếu tố dịch tễ. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, ưu tiên phục vụ tại phòng. Nếu phục vụ tại nhà hàng, phải có bàn ăn riêng cho từng nhóm khách; bảo đảm giữ khoảng cách giữa các nhóm khách, đoàn khách.
Theo Văn Hưng/ Zing