Ngày 16/4, ông Hoàng Trần Khánh ở đường Nguyễn Văn Linh, phường 2, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, ông với những người thắng kiện Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng (Sosuco) đã gửi đơn đến Chi cục Thi hành án Dân sự TP Sóc Trăng để yêu cầu chấp hành viên cưỡng chế 4 tài khoản của Sosuco tại các ngân hàng để lấy tiền trả nợ cho những người lao động trong vụ sản xuất 2017-2018.
Theo ông Tuấn, ngoài việc Sosuco quá hạn tự nguyện thi hành án, gia đình người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về thu nhập vì thất nghiệp.
|
Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng. |
“Chúng tôi đề nghị Chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự TP Sóc Trăng tiến hành xác minh và thực hiện việc cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật đối với Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng. Công ty này có 4 tài khoản tại 4 ngân hàng là Agribank Chi nhánh Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Công thương Chinh nhánh Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, nhóm của ông có 10 người, tòa án tuyên buộc Sosuco phải trả gần 399 triệu đồng từ quỹ lương trên 8,9 tỷ đồng của vụ sản xuất 2017-2018. Ngoài nhóm này, ông Khánh còn đại diện cho 7 người lao động khác thắng kiện doanh nghiệp (trên 330 triệu đồng) nhưng vẫn chưa được Sosuco hoàn thành trách nhiệm trả nợ.
Theo hồ sơ tố tụng, quy chế tiền lương của Sosuco không có nội dung nào cho phép Hội đồng quản trị dùng quỹ lương còn lại của vụ sản xuất trước để bổ sung cho quỹ lương của vụ sau. Vì vậy, Hội đồng quản trị Sosuco ra nghị quyết dùng quỹ lương còn lại của vụ sản xuất 2017-2018 trên 8,9 tỷ đồng nhập vào quỹ lương 2018-2019 là trái quy định, gây thiệt hại đến quyền lợi của những lao động tham gia sản xuất năm 2017-2018.
Vì vậy, đầu năm 2020, nhiều công nhân nghỉ việc tại Sosuco gửi đơn đến tòa, nhờ can thiệp việc doanh nghiệp không trả hết quỹ lương còn tồn. Người lao động phản ánh rằng Điều 3 của Hợp đồng lao động, Sosuco trả lương theo quy chế tiền lương của công ty.
|
Quyết định thi hành án theo yêu cầu. |
Điều 2 của quy chế quy định quỹ tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của Sosuco. Tại Điều 5 của Thỏa ước lao động tập thể giữa Sosuco với người lao động ghi rõ việc công ty trả lương theo sản phẩm. Trong đó, đơn giá tiền lương mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra người lao động được hưởng 800.000 đồng.
Kết thúc vụ sản xuất 2017-2018, quỹ tiền lương của Sosuco còn tồn trên 9,6 tỷ đồng. Theo quy định, số tiền trên được trả cho trên 320 lao động của toàn công ty nhưng HĐQT Sosuco đã quyết định nhập số tiền trên 9,6 tỷ đồng vào vụ sản xuất 2018-2019 để giảm lỗ. Trong 9,6 tỷ đồng này, có hơn 700 triệu được chuyển sang từ vụ sản xuất 2016-2017. Do đó, hơn 300 lao động tham gia vụ sản xuất 2017-2018 phải được hưởng phần lương còn lại là trên 8,9 tỷ đồng.
Tháng 9/2020, TAND TP Sóc Trăng xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn là những người lao động ủy quyền cho ông Khánh làm đại diện. Bản án sau đó bị Sosuco kháng cáo. Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 13 và 15, đại diện hợp pháp của Sosuco được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vắng mặt nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
|
Đại diện Sosuco cam kết trả nợ dứt điểm trong tháng 3. |
Đến tháng 2, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Sóc Trăng ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của các nguyên đơn. Sosuco sau đó cam kết đến cuối tháng 3 sẽ trả dứt nợ. Tuy nhiên, đến nay Sosuco chỉ mới trả cho người lao động 2 đợt được 23% trên tổng số nợ.
Phóng viên gọi điện cho Chủ tịch HĐQT Sosuco là ông Trần Ngọc Hiếu nhưng vị này không nghe máy.
Gia Hân