Liên quan đến thông tin máy lọc nước Unilever Pureit Vietnam quảng cáo lố, khi nhấn mạnh thông điệp rằng: Nguồn nước đun sôi mà hầu hết người Việt đang sử dụng hàng ngày không an toàn, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, mới đây, Công Ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) đã có phản hồi về vấn đề này.
Tuy nhiên, cách mà Unilever Việt Nam phản hồi vẫn chưa thực sự thuyết phục...
Unilever Việt Nam "tiền hậu bất nhất"?
Theo đó, Unilever Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực quảng cáo sản phẩm, Unilever Việt Nam luôn cam kết tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo nhằm đảm bảo người tiêu dùng không hiểu sai, lệch về bản chất của hàng hóa được quảng cáo.
Trong phim quảng cáo máy lọc nước Unilever Pureit cũng như fanpage của Unilever Pureit Việt Nam, Unilever Pureit khẳng định, các thông tin và hình ảnh được sử dụng đều là thông tin có thật, đã được Unilever Pureit kiểm chứng trước khi đăng tải.
“Chúng tôi không đưa tin về việc “nước đun sôi có hại cho sức khỏe”. Thông tin được đưa ra là “nước đun sôi để nguội có khả năng tái nhiễm khuẩn”, chúng tôi xin khẳng định: toàn bộ nội dung này nhằm nhấn mạnh, khuyến cáo tới người tiêu dùng về khả năng nước đun sôi bị tái nhiễm khuẩn nếu để lâu và không được sử dụng ngay sau khi đun...".
Tuy nhiên, khảo sát của Kiến Thức lại cho thấy, trên thực tế, trong đoạn quảng cáo tại fanpage Unilever Pureit Vietnam, Unilever Việt Nam đã khẳng định: "Sau 2 tiếng nước đun sôi để nguội còn độc hại hơn lúc chưa đun".
|
Hình ảnh tại fanpage Unilever Pureit Vietnam cho thấy Unilever Việt Nam đã khẳng định: Sau 2 tiếng nước đun sôi để nguội còn độc hại hơn lúc chưa đun. Ảnh chụp màn hình. |
Cụ thể, trên fanpage, Unilever Việt Nam đặt câu hỏi: “2 GIỜ SAU KHI ĐUN SÔI, NƯỚC SẼ NHIỄM VI KHUẨN ĐỘC HẠI TRỞ LẠI. VẬY BẠN CÓ CHẮC ĐUN SÔI NƯỚC ĐỦ AN TOÀN?” kèm theo đó là lời giải thích: “Sau khi đun sôi, vi sinh vật, trứng ký sinh trùng trong nước sẽ bị tiêu diệt và phân rã thành chất hữu cơ, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho những vi sinh vật ở ngoài. 2 giờ sau khi đun, nước sẽ nhanh bị “thiu” và thu hút gấp đôi lượng vi sinh vật, thậm chí trở nên độc hại hơn lúc chưa đun”.
Như vậy rõ ràng, thông điệp mà Unilever muốn chuyển tải đến người đọc qua đoạn quảng cáo này là: nước đun sôi sau 2 tiếng đồng hồ là không an toàn, thậm chí độc hại hơn trước khi đun. Sự khẳng định này chắc chắn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm và hoang mang rằng nước đun sôi để nguội không an toàn. Vì thế, việc Unilever trả lời rằng "không đưa tin về việc nước đun sôi có hại cho sức khỏe” phải chăng là "tiền hậu bất nhất"?
Không dừng ở đó, cũng trên Fanpage của mình, Unilever Pureit Vietnam tiếp tục quảng cáo mạnh máy lọc nước của mình bằng thông điệp: "THEO WHO, 200.000 NGƯỜI VIỆT NAM MẮC BỆNH UNG THƯ MỖI NĂM DO VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ NƯỚC UỐNG. HÃY BẢO VỆ GIA ĐÌNH VỚI NGUỒN NƯỚC UỐNG AN TOÀN! Bạn có chắc vài phút đun sôi nước máy có thể loại bỏ tạp chất độc hại và kim loại nặng sắt, chì đến từ hệ thống đường ống rỉ sét?... Nước uống nhiễm bẩn là một trong những nguyên nhân chính trong thời gian dài gây biến đổi tế bào, gây ra ung thư cho rất nhiều người Việt Nam".
|
Unilever Pureit Vietnam tiếp tục quảng cáo mạnh máy lọc nước của mình bằng thông điệp: "THEO WHO, 200.000 NGƯỜI VIỆT NAM MẮC BỆNH UNG THƯ MỖI NĂM DO VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ NƯỚC UỐNG. HÃY BẢO VỆ GIA ĐÌNH VỚI NGUỒN NƯỚC UỐNG AN TOÀN! |
Rất nhiều người cho rằng, khi đọc được những dòng quảng cáo của Unilever Pureit Vietnam, chắc chắn đa phần sẽ ngầm hiểu: Uống nước sôi để nguội - vốn là thói quen từ xưa đến nay của người Việt và vẫn được coi là an toàn nhất - nay có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là gây ung thư…
Vậy, cam kết của Unilever nói rằng "đảm bảo người tiêu dùng không hiểu sai, lệch về bản chất của hàng hóa được quảng cáo" liệu có đáng tin?
Cơ sở khoa học của Unilever vẫn mơ hồ?
Phản hồi với Kiến Thức, cơ sở khoa học mà Unilever Việt Nam đưa ra để khẳng định cho thông điệp của mình về nước đun sôi nguy cơ độc hại, đó là việc dẫn lại quan điểm của một số chuyên gia đã từng trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng
Unilever Việt Nam nói: “Chúng tôi cũng không phải là đơn vị đầu tiên đề cập đến vấn đề này. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nhiều lần đưa tin về nội dung nêu trên được khuyến cáo cộng đồng”... Theo dẫn giải của Unilever Việt Nam, tại bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ có trích dẫn ý kiến của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công Nghệ Sinh học và Thực Phẩm Đại Học Bách Khoa Hà Nội về việc nước đun sôi để nguội chỉ cần 2 tiếng có thể tái nhiễm vi khuẩn".
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Kiến Thức gần đây nhất, vào ngày 11/6/2017, PGS.TS Thịnh cũng phân tích rất rõ rằng: nước đun sôi có thể được đun từ nước tự nhiên - nước ao hồ, sông suối... và nước máy đã được khử bằng cloramin. Khi đun nước, cũng như các thực phẩm khác, để nguội ra ngoài môi trường, đều bị các vi khuẩn xâm nhập và gây ôi thiu.
Khi đun sôi nước các vi sinh vật trong nước, trứng giun chết đi bị phân hủy thành chất hữu cơ và trở thành thức ăn cho vi sinh vật xâm nhập vào. Nhưng nước sôi để nguội hàm lượng chất hữu cơ thấp hơn các thực phẩm như rau xanh, thịt, cá chứa nên không bị ôi thiu nhanh.
Cũng tương tự các thực phẩm rau, thịt, cá nếu để ngoài môi trường, đặc biệt trời nắng như hiện nay, chỉ 5h đồng hồ là thiu. Nhưng nước thì có thể lên đến 24h đồng hồ sau khi để nguội.
Nếu đun nước sôi để nguội bằng nước máy đã khử trùng thì thời gian gây ôi thiu có thể lâu hơn vì nước máy ít vi sinh vật, trứng giun, ít chất hữu cơ để làm thức ăn cho vi khuẩn.
Do đó, nếu dựa trên nhưng phân tích này thì thông tin “sau 2 tiếng nước đun sôi để nguội còn độc hại hơn lúc chưa đun” mà Unilever Việt Nam đưa ra là chưa chuẩn, bởi vi khuẩn xâm nhập vào nước đun sôi để phát triển vi sinh vật gây độc cho con người cần nhiều thời gian chứ không phải 2 tiếng.
Rõ ràng, ngay cả giới chuyên gia cũng đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng về vấn đề an toàn của nước lọc đun sôi để tìm kiếm những kết luận chính xác nhất. Thiết nghĩ, trong bối cảnh khi mà giới chuyên gia, phân tích chưa có kết luận cuối cùng thì những quan điểm dễ gây hiểu nhầm như quảng cáo của Unilver là rất không nên có, để tránh khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng vì những nguy cơ chưa thể khẳng định.
Bảo Ngọc