Mật ong rú là mật ong gì?
Ong rú là tên một loại ong trong tự nhiên. Tùy theo từng nơi mà tên gọi của loài ong này được gọi theo các cách khác nhau như: Ong rú, ong dú, ong lỗ…. Loài ong này có tên khoa học của nó là Stingless Bee. Một đặc điểm thú vị là không giống đồng loại như ong mật, ong ruồi… kích cỡ của loài ong rú nhỏ hơn, chỉ bằng 1/2 đến 2/3. Ong rú hiền, ít chích đốt và cũng không gây nguy hiểm cho con người.
Theo nhiều người chuyên đi “săn” ong ở Quảng Ngãi, thì tổ lớn nhất đã gặp có kích cỡ chỉ từ 20-25cm x 30-40cm, với số lượng mật thu được khoảng 0,4-0,7 lít/tổ.
Mật ong rú được tạo ra từ nước dãi của ong và phấn hoa chuyển hóa, chứ không phải từ mật hoa,…cho nên mật ong rú có nhiều công dụng y học hơn so với các loại mật ong khác.
Theo một số tài liệu thì mật ong rú có vị ngọt, thanh và hơi chua, đồng thời nó được cho là "thần dược" để chữa trị nhiều loại bệnh cũng như là một thực phẩm rất tốt để làm đẹp cho "phái yếu".
Không những mật ong rú có những tính chất và giá trị của mật ong rừng thông thường mà nó còn có nhiều công dụng đặc biệt. Đặc biệt, vì không dễ tìm, thu lấy và số lượng mật lại quá ít… cho nên mật ong rú tự nhiên được rất nhiều người "săn lùng". Giá loại mật này lên tới gần 2 triệu đồng/lít mà còn không có để mua.
|
Theo như những người chuyên săn ong rừng tại Quảng Ngãi chia sẻ, hàng năm vào mùa khai thác thì chuyện tìm và thu hàng chục lít mật ong rừng khác là bình thường. Thế nhưng với ong rú thì may mắn mới tìm thấy một vài tổ, với số lượng mật lấy được chỉ từ 1-2 lít/người/mùa. (Ảnh: Công Xuân) |
Mật ong rú tự nhiên được coi là một dạng mật ong rừng thuộc loại hàng hiếm nên nếu lấy được thì thường được để lại sử dụng hoặc biếu cho người thân chứ ít khi đem bán. Vì vậy dù có trả 1 lít là 2 triệu đồng hay cao hơn nữa thì thông thường cũng khó mà mua được. Đó là lý do vì sao mật ong rú thường có giá trên trời, và đôi khi có tiền cũng khó có thể mua được.
Ong rú có nuôi được không? Lượng mật ong rú thu được hàng năm như thế nào?
Ong rú nuôi được, tuy nhiên cần sự tỉ mỉ và chăm sóc cẩn thận. Người nuôi ong rú thường xuyên tách phấn hoa từ tổ ong, mất 200 – 300 ngày phấn hoa mới chuyển hóa hết thành mật ong. (Ảnh: Công Xuân)
Thường thì muốn phát triển đàn ong loại này, ban đầu phải đặt mua từ những người đi rừng (tổ ong rú rất hiếm) và thời điểm ban đầu này việc tách đàn mất thời gian khá lâu, 5-6 năm. Nhưng về sau, ong rú sinh sản rất nhanh, việc tách đàn cũng từ đó mà diễn ra nhanh chóng hơn. Dấu hiệu chia đàn là lúc đàn ong sung mãn nhất, có số lượng đông đảo. Một tổ ong có một ong chúa, khi đẻ ong chúa tạo ra 1-3 ấu trùng ong chúa. Ấu trùng ong chúa lớn lên trở thành ong chúa trưởng thành.
Khi tổ ong đủ lớn, có biểu hiện tách đàn cũng là lúc người nuôi ong chuẩn bị thùng bọng để “san” đàn (kích thước thùng nuôi ong 50x20x20cm, 6 mặt đều kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ong chui ra, chui vào). Ong chúa mẹ sẽ ra đi theo tổ mới để lại một nửa “quân” cho ong chúa con lớn lên tiếp tục “cầm quân”.
Việc “san đàn” phụ thuộc nhiều vào mùa, thời tiết, nhiệt độ môi trường, nếu đàn ong phát triển thuận lợi, việc tách đàn diễn ra nhanh. Ong rú có thể hoạt động trong vòng bán kính 5km, trời sắp chuyển mưa có thể nhận biết ngay khi thấy đàn ong chấp chới bay về tổ. Nuôi ong rú rất khỏe, không tốn chi phí bởi không lo cho chúng ăn và bệnh tật. Tuy nhiên, ong rú cũng rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường. Thời tiết nóng, lạnh, nắng, mưa bất thường có thể làm cho đàn ong nhiễm bệnh (nấm, vi khuẩn…). Ong nhiễm bệnh sẽ kém hoạt động, nằm lỳ trong tổ, không bài tiết được và chết. Ong khỏe sẽ tha xác ong chết ra ngoài. Nếu đàn ong chết quá nhiều xem như tổ hỏng. Ong rú cũng không chịu được mùi hôi của phân gia súc, gia cầm; mùi hóa chất phun xịt hay tiếng ồn, nước thải; nuôi ong rú cũng cần cẩn thận ngăn ngừa địch hại là kiến, thằn lằn…
Giá mật ong rú cao hơn khá nhiều so với mật ong nuôi khác hiện tại. Bình quân 1 năm với 700 tổ, người nuôi ong rú cũng chỉ thu hoạch 70-100 lít mật ong nguyên chất; 20-30kg phấn hoa; 50kg sáp ong.
Theo Hải Anh /Dân Việt