Trong đó, gần 1.450 tỷ đồng trái phiếu của Masan được 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào; hơn 50 tỷ đồng trái phiếu còn lại được phát hành cho 454 nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Như vậy, Masan đã hoàn tất 4 đợt huy động trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được Tập đoàn Masan góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (5.000 tỷ đồng); cấp khoản vay cho Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (3.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỷ đồng); thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (1.000 tỷ đồng).
Tập đoàn Masan huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh mở rộng đầu tư trong năm nay. Năm 2020, Masan bắt đầu vận hành hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và nông trại VinEco của Vingroup. Công ty cũng mở rộng danh mục sản phẩm khi mua lại hãng bột giặt NETCO trong quý 1.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2020, Massan ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2020 đạt 17,632 tỷ đồng, tăng 116% so cùng kỳ.
Nhưng Masan báo lỗ hợp nhất tới 216 tỷ đồng do ảnh hưởng của chi phí lãi vay tăng 263 tỷ đồng.
Thêm vào đó, do tác động của hợp nhất kinh doanh với VCM, bởi VCM lỗ tới 897 tỷ đồng trong quý 1/2020 và phân bổ lợi thế kinh doanh là 89 tỷ đồng và phân bổ giá trị hợp lý 54 tỷ đồng từ hợp nhất kinh doanh.
Về kế hoạch năm 2020, MSN cũng lên chỉ tiêu cho các công ty con như sau, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong khi VinCommerce hướng tới mục tiêu hòa vốn trở lên. Doanh thu thịt dự kiến đóng góp 20% vào doanh thu thuần của CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML).
Ở một động thái khác, ngày 14/5 vừa qua, Ardolis Investment Pte Ltd đã mua vào gần 39 triệu cp MSN nâng sở hữu từ 5.64% (gần 66 triệu cp) lên 8.97% (105 triệu cp).
Đươc biết, Ardolis Investment là tổ chức có liên quan với Goverment of Singapore (hiện đang nắm hơn 47 triệu cp MSN, tương ứng 4.06%). Như vậy, sau giao dịch, tổng nhóm có liên quan đang nắm giữ hơn 113 triệu cp MSN.
Minh An