Trong 2 tuần qua, hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở của Manulife tại thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại về việc khách hàng gửi tiết kiệm nhưng bị biến thành gói bảo hiểm của Manulife.
Lỗi từ nhân viên tư vấn?
Vụ việc bắt đầu vỡ lở từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 khi khách hàng bắt đầu phản ánh sự việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng cuối cùng thành ký hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư của Manulife tới các cơ quan báo chí, và cơ quan quản lý nhà nước.
|
Khách hàng tố SCB và Manulife mắc ngoặc biến hợp đồng tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm - Ảnh: zingnews.vn |
Thời điểm ban đầu, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Lúc này, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.
Trong tháng 4 những khiếu nại của khách hàng mạnh mẽ hơn. Công an TPHCM đã tiếp nhận gần 150 đơn tố cáo của khách hàng mua bảo hiểm Tâm An Đầu Tư đề nghị điều tra, xử lý các cá nhân, tập thể Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Ngân hàng SCB đã bán sản phẩm này.
Nội dung tố cáo là các cá nhân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán, đã được các nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.
Theo đơn tố cáo, đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, các cá nhân này mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn. Lúc này, khách hàng không thực hiện được việc rút tiền, và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày, số tiền đầu tư trước đó sẽ bị mất.
Do vậy, khách hàng cho rằng Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Sau khi thông tin đến cơ quan chức năng và giới truyền thông, sáng 5/5 được sự đồng ý của Manulife Việt Nam, một số khách hàng được làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" đã tham gia tại Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, điều đáng nói là muốn được hủy hợp đồng bảo hiểm, giải ngân số tiền thì Manulife yêu cầu khách hàng phải ký giấy xác nhận kèm một số điều khoản mà công ty bảo hiểm đã soạn sẵn và 10 ngày sau sẽ được nhận lại tiền.
Cụ thể, khách hàng phải cam kết "không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào với công ty, cũng không thực hiện bất kỳ hành động nào làm phương hại, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty" kể từ ngày nhận được đủ số tiền hoàn lại.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải cam kết không tiết lộ (dù trực tiếp hay gián tiếp) bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm, ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc giữa khách hàng và công ty cho bên bất kỳ thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội.
Mặt khác việc hủy hợp đồng trước hạn chỉ được áp dụng cho các khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu Tư thông qua ngân hàng SCB đã gửi khiếu nại trước ngày 30/4/2023.
Việc phải ký thỏa thuận “im lặng” và chỉ khiếu nại gửi trước 30/4/2023 mới được hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn đã tiếp tục gây bức xúc trong dư luận bởi nhiều khách hàng biết thông tin muộn. Nhiều khách hàng cho rằng họ bị chèn ép, phân biệt đối xử khi nộp đơn khiếu nại sau ngày 30/4. Họ cho rằng tất cả khách hàng đều phải được xử lý công bằng như nhau.
|
Cách giải quyết của Manulife cũng gây bức xúc cho khách hàng - Ảnh: vtv.vn |
Cần nghiên cứu kỹ trước khi ký
Vẫn liên quan đến Manulife, cách đây ít lâu, nữ diễn viên Ngọc Lan cũng đã livestream để nói về việc mua bảo hiểm giá trị lên tới 700 triệu đồng/năm của Công ty TNHH BHNT Aviva Việt Nam (nay đã bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife (MVI) và đổi tên thành Công ty TNHH BHNT MVI (MVI Life).
Theo Ngọc Lan, do tin tưởng người tư vấn, nên nữ diễn viên này đã ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm cô sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi cộng thêm).
Tuy nhiên, sau đó Ngọc Lan mới bàng hoàng biết thêm thông tin, nếu đóng đến năm thứ 10 thì số tiền có thể ít hơn 7 tỷ đồng tiền gốc, chứ không cao như tư vấn ban đầu. Nữ diễn viên cho rằng, nhân viên tư vấn bán bảo hiểm đã tư vấn mập mờ, gây hiểu nhầm.
Sau khi sự việc được các cơ quan truyền thông thông tin, cơ quan chức năng vào cuộc thì giữa diễn viên Ngọc Lan và Manulife đã có những thỏa thuận qua đó hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Mới đây, Nghệ sĩ ưu tú cải lương Kim Tử Long cũng lên tiếng về việc anh từng bị hủy hợp đồng bảo hiểm và mất trắng hơn 100 triệu đồng sau khi đã đóng được 3 năm. Qua câu chuyện, NSƯT Kim Tử Long cảnh báo người mua bảo hiểm cần cân nhắc kỹ để không phải vướng vào những rắc rối không mong muốn.
Trong một đoạn video được đăng tải trên Facebook cá nhân, Kim Tử Long nói rằng, anh từng được một tư vấn viên nhiệt tình chào mời mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential để tích lũy cho con. Thấy sự chào đón nhiệt tình của người này, nam nghệ sĩ quyết định mua gói bảo hiểm 40 triệu đồng/năm.
Trong 3 năm đầu, nhân viên tư vấn đã nhắc anh đóng bảo hiểm đều đặn. Tuy nhiên, sang năm thứ 4, do bản thân nam nghệ sĩ quá bận rộn, nhân viên tư vấn đã nghỉ việc nên không có người nhắc đóng bảo hiểm khiến anh cũng quên luôn.
Đến năm thứ 5, NSƯT Kim Tử Long mới nhớ ra việc anh quên đóng tiền bảo hiểm. Sau đó, anh gọi lại cho người tư vấn bán bảo hiểm cho mình thì mới biết người này đã nghỉ việc. Khi anh gọi lên công ty bảo hiểm thì nhân viên ở đây nói hợp đồng bảo hiểm của anh đã bị hủy vì 2 năm không đóng tiền.
Theo NSƯT Kim Tử Long, câu trả lời của phía công ty bảo hiểm cho anh là rất vô trách nhiệm. Lý do là vì khi tư vấn viên không làm việc nữa, tại sao bên bảo hiểm không cử một người mới chăm sóc, để cuối cùng nghệ sĩ này nhận cái kết đắng “anh đã bị hủy hợp đồng rồi”. Điều đó đồng nghĩa với số tiền hơn 100 triệu đồng đóng trong 3 năm cũng bị mất trắng.
Sau khi vụ việc được báo chí thông tin, ngày 14/4, NSƯT Kim Tử Long cho biết, đại diện công ty bảo hiểm đã liên hệ với anh để trao đổi về vụ việc. “Công ty bảo hiểm này còn hẹn một buổi làm việc trực tiếp với tôi trong thời gian thích hợp”, NSƯT Kim Tử Long cho hay.
Từ những vụ việc trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm nắm chắc về nội dung trước khi ký các loại giấy tờ liên quan đến tài chính, bảo hiểm, tránh bị thiệt thòi về quyền lợi.
Minh Quang (tổng hợp)