Suốt thời gian qua, nhà giàu Việt sang chảnh đã rất chịu chi, mua những loại trái cây lạ, có giá đắt đỏ như vàng ròng để thưởng thức. Sau cơn sốt dâu tây trắng, xoài đỏ bạc triệu, mới đây, thị trường hoa quả nhập khẩu lại tiếp tục gây chú ý với một loại nho đặc biệt, được mệnh danh là "siêu thực phẩm", giống nho ngon nhất nhì thế giới.
Điểm đáng chú ý của loại nho mẫu đơn này là mỗi chùm nặng từ 800g đến 1kg, trái to, dày thịt, không hạt và độ ngọt cao, và có giá bán gấp 20-30 lần các loại nho thông thường trên thị trường.
Theo các tiểu thương kinh doanh hoa quả nhập khẩu, đây là nho mẫu đơn có xuất xứ từ Nhật Bản. Chúng có màu xanh, quả to, chắc, bên ngoài có một lớp phấn nhung trắng, bên trong không có hạt, không quá giòn, thơm ngọt.
Trong quá trình nuôi trồng, các cành cây sẽ được tỉa bớt chùm để dinh dưỡng tập trung nuôi dưỡng cho những chùm nho giữ lại. Do vậy, nho mẫu đơn có kích thước lớn, và mỗi chùm có thể đạt trọng lượng khoảng 800g đến 1kg.
"So với các loại nho nhập khẩu từ Úc hay Mỹ, nho mẫu đơn ngọt hơn. Dù ăn cả vỏ cũng vẫn ngọt chứ không hề có vị chát", chị Minh Hương (chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên đường Trần Duy Hưng) giới thiệu.
|
Nho mẫu đơn có giá bán trên 1 triệu đồng đang được khách hàng Việt tìm mua. |
Theo tiểu thương này, nho mẫu đơn được chia ra làm 3 loại. Trong đó, cao cấp nhất là nho mẫu đơn trồng và thu hoạch trong nhà kính. Chùm nho dài, trái tròn và có vị ngọt nhất. Do số lượng hiếm và chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng ở Nhật, giá bán đắt đỏ nên nho mẫu đơn dạng này ít được nhập về Việt Nam bán.
"Nho bán phổ biến ở Việt Nam là loại Shine Muscat. Đây là loại giòn nhất trong các giống nho mẫu đơn. Do nhiều vùng trồng nho có điều kiện thời tiết, khí hậu và đất đai phù hợp nên dòng nho này có thể cho những chùm nặng tới 1kg", chị Hương cho biết.
Khẳng định nho mẫu đơn đang ưa chuộng, anh Thanh (kinh doanh hoa quả xách tay ở Hà Nội) cho hay, mặc dù giá bán tiền triệu, nhưng nho Nhật Bản vẫn hút khách. Hiện tại, cửa hàng anh này nhận 30 đơn đặt hàng trong tuần, trong đó có những đơn hàng trị giá gần 20 triệu đồng của khách mua lẻ.
"Không chỉ thưởng thức, nhiều người giàu mua nho mẫu đơn làm quà biếu", anh Thanh nói.
Chị Hoàng Lan (nhân viên ngân hàng) cho biết, sau khi được người bạn mua nho mẫu đơn làm quà sau chuyến du lịch Nhật Bản, chị đã "nghiện" loại quả này. Khi thấy ở Hà Nội có bán, chị đã tìm mua. Tuy nhiên, chị Lan khá ngạc nhiên khi giá bán nho giữa các cửa hàng hoặc dân buôn hàng online chênh nhau từ 200.000 – 500.000 đồng/kg nho.
Theo phân tích của anh Minh (một tiểu thương chuyên bán hoa quả nhập khẩu xách tay ở Hà Nội), cửa hàng thường có giá bán đắt hơn vì chi phí thuê cửa hàng, nhân viên, trong khi dân buôn xách tay thì tiết kiệm hơn. Ngoài ra, tùy thuộc từng loại nho, chất lượng như thế nào để tiểu thương phát giá.
"Những loại nho mẫu đơn mà trái đạt trọng lượng 10 - 12,4g to hơn 1 trái Cherry size 9 thì giá bán sẽ đắt hơn rất nhiều. Có những chùm rao bán ở mức 2 triệu đồng. Ngoài ra, nếu mua vào thời điểm tháng 5 thì đó là đầu mùa, giá nho mẫu đơn lên tới gần 2 triệu đồng/chùm. Hiện nho mẫu đơn dần hạ nhiệt chỉ tầm 1,5 triệu đồng/chùm vì đã vào chính vụ", anh này nói.
Mặc dù được bán khá nhiều trên thị trường, song anh Minh cũng cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng trà trộn nho mẫu đơn, bán giá cao kiếm lời.
"Từng có khách than phiền bỏ cả bạc triệu mua nho, nhưng mãi sau mới biết mua hàng giả vì ít thông tin về nho mẫu đơn. Theo khách này thì nho mua có hạt, trong khi nho mẫu đơn thì không. Vậy nên, khi mua nho loại này, khách cần chọn cửa hàng có uy tín, tránh mất tiền oan", anh Minh khuyến cáo.
|
Nho sữa Hàn Quốc. |
Ngoài ra, thị trường xuất hiện loại nho sữa Hàn Quốc quả đẫy chùm không kẽ hở, tròn đều, màu xanh ngọc. Mỗi chùm nho nặng từ 500 – 600g và được rao bán ở mức 650.000 đồng/kg.
Theo nhiều tiểu thương, đây thực chất vẫn là nho mẫu đơn nhưng được nhân giống và trồng ở Hàn Quốc. Do điều kiện thổ nhưỡng có điểm khác biệt, nên kích thước trái nho nhỏ hơn, tuy nhiên mùi vị vẫn tương đồng. Cả hai đang là mặt hàng "hái ra tiền" mỗi dịp hè.
Theo Hoàng Linh/Nhịp sống kinh tế