Ngày 4/6, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 21 tháng 6/2019 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/6 có 2 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 6 hộ trồng sâm tại 3 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia trưng bày và bán tại phiên chợ; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu.
|
Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ hằng tháng. |
Có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, Quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia và một gian hàng trung tâm trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu (trên 30 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu). Ngoài ra, phiên chợ có gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) của huyện Nam Trà My.
Trong những ngày diễn ra phiên chợ có trên 1.100 lượt người đến thăm quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được khoảng 4,6 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 60kg, thu về gần 4,2 tỷ đồng.
Được biết, sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, hiện mỗi kg sâm củ có giá thành từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, riêng lá sâm hiện có giá 10 triệu đồng/kg.
|
Sâm Ngọc Linh có giá thành kinh tế rất cao, qua 3 ngày bán nông dân thu về 4 tỷ đồng. |
Theo UBND huyện Nam Trà My, để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện, nhất là sản phẩm sâm củ đưa vào phiên chợ sâm Ngọc Linh, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, máy móc phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh.
“Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, có những giá trị to lớn về mặt dược học, nên nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh diễn ra rất mạnh, giúp người dân đồng bào miền núi huyện Nam Trà My tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững trong thời gian qua.
Hiện nay, tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời đã quy hoạch trên 15.000 ha tại 7 xã của huyện Nam Trà My để phát triển vùng sâm nguyên liệu, kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng sâm nguyên liệu, do đó nhu cầu nguồn cây giống sâm Ngọc Linh trong thời gian đến là rất lớn, điều này đặt ra yêu cầu phải có nhưng giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo tồn và cung ứng nguồn giống có chất lượng, do vậy đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ đưa sâm Ngọc Linh vào chương trình giống Quốc gia.
Để phát triển nguồn dược liệu, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần xây dựng vườn bảo tồn và phát triển dược liệu Quốc gia tại huyện Nam Trà My, với diện tích 240 ha.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là các huyện miền núi, trong đó có Nam Trà My đang tập trung phát triển cây dược liệu. Vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân, chế biến sâu các loại cây dược liệu, đem lại giá trị kinh tế cao theo chuổi giá trị, đề nghị UBND tỉnh dành khỏang 200ha diện tích tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, với cơ chế ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất dược liệu tập trung” - huyện Nam Trà My đề xuất.
Theo Trương Hồng - Hạ Vi/Dân Việt