Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 đã được công bố cho thấy, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) ghi nhận 2.741 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, giá vốn hàng bán lại tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 16,5% còn 126,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Tisco cũng giảm 37%, xuống còn 7,5 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng thì chi phí tài chính giảm nhẹ. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp của Tisco giảm gần 59% so với cùng kỳ năm trước, về còn 47 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi các chi phí, Tisco báo lãi sau thuế hơn 15,6 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 lỗ 16,8 tỷ đồng, thoát chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp, kể từ quý III/2022. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này của Tisco cũng không thể bù đắp cho khoản lỗ trong 3 quý trước đó.
|
Lý giải khoản lỗ kỷ lục của Gang thép Thái Nguyên (ảnh minh họa: Tisco). |
Chính vì thế, mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý IV/2023, nhưng lũy kế cả năm 2023, Gang Thép Thái Nguyên vẫn ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục lên đến hơn 179 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2022, Tisco cũng từng báo lỗ sau thuế hơn 8,9 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần cả năm 2023 của Tisco cũng giảm 18,5% so với năm 2022, về mức 9.530 tỷ đồng.
Tisco lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt đạt 15.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 38,8 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, sau một năm kinh doanh, Tisco không hoàn thành cả 2 chỉ tiêu đã đề ra.
Nguyên nhân thua lỗ nặng nề bởi biên lãi gộp giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022, biên lãi gộp của doanh nghiệp là 3,7%, sang đến năm 2023 chỉ còn 1,9% bằng đúng chi phí lãi vay. Trong khi đó công ty còn phải gánh chịu thêm phần tăng về chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo lý giải của Tisco, trong quý IV/2023, thị trường thép có những diễn biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép cán đã tăng 46.458 tấn, tỷ lệ tăng 31,6% so với cùng kỳ. Một số khoản chi phí trong quý IV/2023 cũng giảm so với cùng kỳ, chẳng hạn như chi phí quản lý tại báo cáo hợp nhất giảm 67,4 tỷ đồng (do giảm chi phí tiền lương, chi phí dự phòng tiền lương và tiền thuê đất), chi phí tài chính giảm 13,4 tỷ đồng (một phần do hoàn nhập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư).
Hơn 6.600 tỷ mắc kẹt ở dự án dang dở
Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên) được khởi công xây dựng từ năm 1959, là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của công ty ra lò đã đánh dấu mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của công ty cũng như của ngành luyện kim Việt Nam và ngày này được lấy là ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên. Tisco hiện có địa chỉ trụ sở chính tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 cũng cho thấy, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tisco đạt 10.251 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho của công ty ở mức 1.418 tỷ đồng, giảm hơn 340 tỷ đồng so với đầu năm; lượng tiền và tương tiền ở mức gần 117 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chiếm hơn một nửa tài sản của Tisco là chi phí xây dựng dở dang ghi nhận ở mức 6.629 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp dành tới 6.626,7 tỷ đồng để triển khai dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2. Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của Tisco cho thấy, tổng chi phí dự toán ban đầu của toàn dự án trên là 3.843,67 tỷ đồng và dự toán đầu tư sau điều chỉnh là 8.104,91 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Tisco tại ngày 31/12/2023 lên tới 8.546 tỷ đồng, chiếm hơn 83% tổng nguồn vốn và gấp 5 lần vốn chủ sở hữu (1.704 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 4.474 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn là 2.139 tỷ đồng. Kết thúc quý IV/2023, vốn điều lệ của Tisco đạt 1.840 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của Tổng Công ty Thép Việt Nam là 1.196 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 65%), vốn góp của Công ty CP thương mại Thái Hưng là 368 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 20%), vốn góp của các cổ đông khác là 276 tỷ đồng (tỷ lệ 14,99%). Công ty còn hơn 92 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Liên quan đến dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Tisco cho biết, dự án này đã kéo dài nhiều năm, hiện tại dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai và chờ được cơ quan Nhà nước tháo gỡ vướng mắc. Ngày 20/2/2019, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên". Các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Ngày 11/11/2021, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Bản án số 531/2021/HS-PT liên quan đến dự án. Theo bản án, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế Tisco đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 830,2 tỷ đồng; các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho công ty số tiền nêu trên.
Đến ngày 31/12/2023, công ty đã nhận được số tiền bồi thường là hơn 78,8 tỷ đồng từ Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội. Đây là số tiền thu được từ các bị cáo. Công ty ghi giảm chi phí lãi vay đã vốn hoá của dự án tương ứng với số tiền nêu trên.
Cũng tại thời điểm 31/12/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 6.627 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.413 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm 2023 là chi phí lãi vay vốn hóa.
Liên Hà Thái