Lý do bà Chu Thị Thành - Tập đoàn Thiên Minh Đức bị “sờ gáy”?

Google News

Lực lượng Công an xuất hiện tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và nhà riêng của nhà bà Chu Thị Thành vào trưa ngày 3/1.

Trưa 3/1, lực lượng Công an xuất hiện tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và nhà riêng của nhà bà Chu Thị Thành ở số 289, đường Ngô Đức Kế, phường Vinh Tân, TP Vinh (tỉnh Nghệ An).
Ly do ba Chu Thi Thanh - Tap doan Thien Minh Duc bi “so gay”?
Đầu giờ chiều ngày 3/1, lực lượng công an đang có mặt tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức ở số 2, đường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Dân Việt). 
Bê bối, hành trình phạm tội dẫn tới bị điều tra của đại gia Chu Thị Thành
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) thành lập từ năm 2001, do bà Chu Thị Thành (mẹ của "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của Thiên Minh Đức gồm: Bà Chu Thị Thành nắm hơn 68,25% cổ phần; ông Chu Đăng Khoa hay còn được gọi "đại gia kim cương" là con trai bà Thành, nắm hơn 31,65% cổ phần. Còn lại 0,1% là ông Vương Đình Quán.
Ly do ba Chu Thi Thanh - Tap doan Thien Minh Duc bi “so gay”?-Hinh-2
 Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức. (Ảnh: Báo Nghệ An).
Thiên Minh Đức đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Lĩnh vực xăng dầu là trụ cột quan trọng làm nên tên tuổi của Thiên Minh Đức. Doanh nghiệp này cũng là chủ sở hữu thương hiệu vận tải biển DKC Shipping, mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, dịch vụ nhà hàng, khách sạn... ở nhiều địa phương.
Ly do ba Chu Thi Thanh - Tap doan Thien Minh Duc bi “so gay”?-Hinh-3
Nhiều phương tiện của công an đỗ trước nhà riêng của bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức tại số 289, trên đường Ngô Đức Kế, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An. (Ảnh: Vietnamnet).
Báo Vietnamnet dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố ngày 4/1/2024) cho biết, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Điều này dẫn đến từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế BVMT kê khai lại tăng thêm là 3.287 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số đầu mối xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế BVMT là 6.323 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 đầu mối được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219 tỷ đồng.
Dù còn nợ ngân sách tiền thuế BVMT và một số thương nhân đầu mối nhưng tập đoàn này đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Thiên Minh Đức (từ năm 2017 đến năm 2022) cho ông Chu Đăng Khoa - Phó tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT công ty mượn số tiền 7.485 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng.
Các khoản nợ khủng của Tập đoàn Thiên Minh Đức
Theo Vietnamnet, có thời điểm, Thiên Minh Đức nợ thuế hơn 728 tỷ đồng và bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024. Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Đức bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Trong khi đó, Báo Người lao động dẫn thông tin từ Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến tháng 4/2024, Thiên Minh Đức là đơn vị nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước lớn nhất tỉnh Nghệ An, với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, Thiên Minh Đức bị quản lý thị trường xử phạt hành chính, tước giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu 45 ngày (từ 6/3 đến 21/4) do vi phạm điều kiện kinh doanh.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong ba doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, qua kiểm tra, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Do đó, doanh nghiệp này bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng, bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 45 ngày, từ ngày 6/3/2024 đến hết 21/4/2024.
Điều khoản nào cấm xuất cảnh?
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019:
Cấm xuất cảnh chỉ là một thuật ngữ người dân thường dùng, còn trong các văn bản pháp luật thì không có thuật ngữ “cấm xuất cảnh” mà chỉ có thuật ngữ “tạm hoãn xuất cảnh”.
Tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam bao gồm:
(1) Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
(2) Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
(3) Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
(4) Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
(5) Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(6) Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
(7) Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
(8) Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.
(9) Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Căn cứ pháp lý: Khoản 7 Điều 2, Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Khi nào được khám xét nhà người khác?
Theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử như sau:
- Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
- Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Đồng thời, theo Điều 193 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở như sau:
- Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
- Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
- Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.
- Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và đưa vào hồ sơ vụ án.
Như vậy, khi có căn cứ xác minh hoặc phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân thì được phép khám xét chỗ ở và chỉ được khám xét khi có lệnh. Lệnh khám xét phải được viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
Khánh Hoài (tổng hợp)