Long An: Nhà thầu “ruột” liên tiếp trúng thầu liệu có minh bạch?

Google News

Dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu tại huyện Đức Huệ lại cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường, khi một doanh nghiệp “quen mặt” liên tiếp trúng thầu…

Nhà thầu “quen mặt” liên tiếp trúng thầu

Cụ thể, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, hiện tượng doanh nghiệp “ruột” thường xuyên trúng thầu đã khiến dư luận dấy lên nhiều nghi vấn về tính cạnh tranh, công khai và minh bạch trong hoạt động đấu thầu tại địa phương này.

Theo tìm hiểu của PV, dẫn đầu là Công ty TNHH MTV Phước Lộc Đức Huệ (Công ty Phước Lộc Đức Huệ), một trong những nhà thầu nổi bật tại huyện Đức Huệ trong thời gian gần đây, với tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối. Đáng chú ý, tất cả các gói thầu mà doanh nghiệp này trúng phần lớn do Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ làm chủ đầu tư.

Long An: Nha thau “ruot” lien tiep trung thau lieu co minh bach?
 Công ty TNHH MTV Phước Lộc Đức Huệ là một trong những nhà thầu nổi bật tại huyện Đức Huệ, với tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối.

Công ty Phước Lộc Đức Huệ được thành lập từ tháng 11/2011, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Người đại diện pháp luật hiện tại là bà Đặng Thị Thúy. Theo dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ năm 2019 đến nay, nhà thầu đã tham gia tổng cộng 16 gói thầu, trong đó trúng tới 15 gói, với tổng giá trị trúng thầu đạt 32,66 tỷ đồng – một con số cho thấy tần suất và mức độ “may mắn” đặc biệt. Đáng lưu ý, 14/15 gói trúng thầu đều do một chủ đầu tư duy nhất là Ban QLDA huyện Đức Huệ.

Chỉ tính riêng năm 2023, doanh nghiệp đã trúng cả 6/6 gói thầu tham dự. Năm 2024, tỷ lệ trúng thầu vẫn rất cao, khi doanh nghiệp giành được 3/4 gói đã tham gia. Đặc biệt, mới đây nhất, vào ngày 8/5/2025, doanh nghiệp tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” khi được ông Nguyễn Minh Hiền – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ ký 2 quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu cho gói xây lắp, với tổng giá trị hơn 3,2 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Quyết định số KQ2500166496_2505081423, Công ty Phước Lộc Đức Huệ được lựa chọn là nhà thầu thi công công trình bê tông tuyến đường từ ĐT.838C đến kênh Rộc Trấp (xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ), với giá trúng thầu 1,158 tỷ đồng. Cùng ngày, đơn vị tiếp tục được công bố trúng gói thầu thi công đường kênh Lò Đường (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ), với giá trị trúng 2,191 tỷ đồng, theo Quyết định số KQ2500166725_2505081429. Cả 2 gói thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày.

Liệu có trúng thầu minh bạch?

Theo ghi nhận, bên cạnh Công ty Phước Lộc Đức Huệ, còn xuất hiện một số nhà thầu khác cũng đạt tỷ lệ trúng thầu cao tại Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ. Đơn cử như: Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Ngân Hồng Phát (có địa chỉ tại huyện Đức Huệ, Long An), đã tham dự 10 gói thầu và trúng 7 gói; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Minh Long JSC (có trụ sở tại TP Tân An, Long An), tham gia cả 7 gói thầu và đều trúng thầu 100%.

Có thể thấy, việc một doanh nghiệp trên địa bàn liên tiếp trúng thầu tại cùng một chủ đầu tư đang đặt ra nhiều dấu hỏi về mức độ cạnh tranh thực chất trong công tác đấu thầu tại các địa phương hiện nay. Liệu đây là kết quả của năng lực vượt trội, hay là biểu hiện của sự thiếu minh bạch, cạnh tranh mang tính hình thức trong công tác lựa chọn nhà thầu? Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát nghiêm túc để đảm bảo đúng tinh thần công khai, minh bạch được quy định tại Luật Đấu thầu.

Long An: Nha thau “ruot” lien tiep trung thau lieu co minh bach?-Hinh-2
 Một đoạn đường tỉnh 838, huyện Đức Huệ, Long An (Ảnh IT).

Theo Luật sư Phan Văn Việt – Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay hệ thống pháp luật về đấu thầu đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ, với mục tiêu bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, ở không ít địa phương, vẫn còn tình trạng hồ sơ mời thầu được “thiết kế riêng” với những điều kiện kỹ thuật, năng lực tài chính hay tiêu chí kinh nghiệm khó đáp ứng, có thể là nhằm giới hạn sự tham gia của các nhà thầu không khác, tạo lợi thế không công bằng cho một số doanh nghiệp.

“Thực tế này không chỉ dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, mà còn khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thực tế của các công trình được giao cho những nhà thầu "ôm đồm" quá nhiều gói thầu trong thời gian ngắn. Việc dàn trải nguồn lực có thể dẫn đến thi công chậm tiến độ, kém chất lượng – ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hiệu quả trong đầu tư công”, luật sư Việt chia sẻ thêm.

 

Đỗ Thuận