Trong tháng 8 này, BID, PLX, VNM cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện chia cổ phiếu đã giúp ngân sách Nhà nước có thêm hàng ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (HOSE:BID) đã phê duyệt trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Ngày đăng ký cuối cùng là 10/8/2017 và ngày thanh toán là 25/08. Như vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sở hữu 95,28% vốn của BID, ứng với 3.256.324.161 cổ phiếu thì ngân sách Nhà nước vừa có thêm 2.279,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2017, BID đang có tổng vốn chủ sở hữu là 48.139,7 tỷ đồng, trong đó riêng vốn điều lệ 34.187 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận chưa phân phối tích lũy được đạt mức 7.361 tỷ, quỹ của Ngân hàng đạt 3.460 tỷ đồng và lợi ích cổ đông không kiểm soát là 2.941 tỷ đồng.
Không kém cạnh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) mới lên sàn vào cuối tháng 4/2017 cũng đem lại niềm vui cho cổ đông khi quyết định thanh toán cổ tức tiền mặt tỷ lệ 32,24% mệnh giá, ứng 3.224 đồng mỗi cổ phiếu. Tập đoàn đã tiến hành chi trả vào ngày 24/8/2017 vừa qua. Với 1.158.813.235 cổ phiếu đang lưu hành, PLX đã chi ra khoảng 3.736 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức này. Là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 981,7 triệu cổ phiếu, ứng với 75,87% vốn PLX, Bộ Công Thương thu về khoảng 3.165 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức lần này.
Tính đến cuối quý II/2017, Tập đoàn đang có nguồn lợi nhuận chưa phân phối lên đến 6.323 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 909,5 tỷ đồng và thặng dư vốn 3.813 tỷ đồng.PLX hiện cũng đang là doanh nghiệp dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán Việt Nam về doanh thu, với hơn 74.000 tỷ thực hiện được trong nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 7 vừa qua, một “ông lớn” khác, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE:VNM) cũng có quyết định HĐQT tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/08 và ngày thanh toán cổ tức vào 31/08. Với 1.451.343.212 cổ phiếu đang lưu hành, VNM chi ra khoảng 2.902 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức đầu tiên của năm 2017 này. Nắm giữ 570.886.596 cổ phiếu, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) sẽ nhận về được 1.140 tỷ đồng.
Đây mới chỉ là đợt thanh toán cổ tức đầu của năm 2017, theo kế hoạch VNM sẽ dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để chia cho cổ đông làm 2 đợt, đợt 1 trong tháng 8 – 9/2017 và đợt 2 là tháng 5 – 6/2018. Tính đến nửa đầu năm 2016, VNM đã đạt 5.857 tỷ đồng lợi nhuận ròng cho chủ sở hữu. Tại thời điểm 30/6/2017, Công ty có 7.329 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 2.405,4 tỷ quỹ đầu tư phát triển và 260 tỷ thặng dư vốn cổ phần.
“Ông lớn” ngành dầu khí TCT Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) cũng vừa có Nghị quyết HĐQT thông qua việc tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%. Điều này sẽ khiến cổ đông lớn nhất của GAS là PVN sắp thu thêm 1.833 tỷ đồng. Ngày GAS bắt đầu chi trả cổ tức là trong tháng 10/2017.
Hiện tại GAS đang có 1.913.328.070 cổ phiếu đang lưu hành, trong đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam nắm giữ 1.832.835.900 cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 95,76% vốn.
GAS là một trong những đơn vị không những chia cổ tức đều đặn mà nguồn vốn tích lũy cũng rất khủng. Tính đến quý II/2017, GAS có 14.849 tỷ tại quỹ đầu tư phát triển, 5.299,6 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 1.676,8 tỷ lợi ích cổ đông không kiểm soát và 445 tỷ thặng dư vốn cổ phần cùng vốn khác của chủ sở hữu.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn – SABECO (HOSE:SAB) vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2017 để thông qua tờ trình trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 35%, tương ứng với 2.244 tỷ đồng. Năm 2016, SABECO đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 30%.
Bộ Công Thương hiện đang sở hữu 89,6% vốn SABECO và có kế hoạch thoái vốn trong năm 2017. Nếu duy trì tỷ lệ sở hữu đến lúc Công ty chốt quyền thanh toán cổ tức thì Bộ Công Thương sẽ thu thêm được 2.010 tỷ đồng.
Hết quý II, Công ty có 14.872 tỷ đồng tại vốn chủ sở hữu nhưng chỉ có 6.412,8 tỷ là vốn góp và gần 57% nằm ở lợi nhuận tích lũy hay các quỹ. Cụ thể, 6.248 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 1.064 tỷ lợi ích cổ đông không kiểm soát và 1.119 tỷ quỹ đầu tư phát triển.
Như vậy, chỉ tính riêng phần cổ tức được nhận từ các “ông lớn” thực hiện chia trong tháng 8 vừa qua thì ngân sách Nhà nước đã thu thêm được gần 6.600 tỷ đồng. Nếu tính thêm phần cổ tức từ GAS và SAB chưa chia nhưng có phương án thì lên tới gần 10.500 tỷ đồng.
Theo lộ trình thoái vốn được Nhà nước công bố, trong năm 2018 Bộ Công thương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Petrolimex 24,9% từ 78,6% xuống 53,7%, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk và Sabeco, trong đó riêng Sabeco có chủ trương thoái hết vốn. Câu hỏi đặt ra, với hàng nghìn tỷ đồng trả cổ tức hàng năm như hiện tại, nếu bán đi các "con gà đẻ trứng vàng" như hiện nay liệu Nhà nước có chịu thiệt?
Trao đổi với một số chuyên gia trong ngành, ngoài thặng dư thu về hàng tỷ USD từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn mà Nhà nước nắm giữ, thì các doanh nghiệp này khi về tay chủ mới với cơ cấu quản trị mới, phát triển lên một tầm cao mới sẽ có doanh thu lợi nhuận tốt hơn, qua đó đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, lợi ích thu về sẽ không kém cạnh các khoản cổ tức trả hàng năm như hiện nay.
Theo Ngọc Điểm/NDH