2 năm trở lại đây, cổ đông nhiều ngân hàng bắt đầu đón nhận "tin vui" cổ tức tiền mặt, sau nhiều năm Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc các nhà băng chia cổ tức bằng tiền.
Trước đó, hầu hết ngân hàng đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh, tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhận "cơn mưa" tiền mặt ngay sau Tết
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) mới đây vừa công bố chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023.
VIB cũng là ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. VIB đã quyết định tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 21/2 tới đây.
Hiện ngân hàng này có hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền chia cổ tức lần này là hơn 1.500 tỷ đồng.
|
Cổ đông VIB dự kiến nhận cổ tức tiền mặt vào ngày 21/2 tới đây (Ảnh: Mạnh Quân). |
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, cho biết, trước thời gian dịch Covid-19, ngân hàng này thường chia cổ tức 2 phần vừa tiền mặt vừa cổ phiếu. Nhưng năm 2020-2022, ngân hàng dành nguồn lực để chống đỡ rủi ro, nên không chia cổ tức tiền mặt.
Đến đầu năm 2023, Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay do Ngân hàng Nhà nước công bố, cơ quan này không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Như vậy, nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng kỳ vọng chia cổ tức từ 30% trở lên so với lợi nhuận năm 2023 sẽ đạt được.
Hứa hẹn trong tương lai
Ngoài VIB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPBank) trong năm 2023 cũng đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tại phiên họp cổ đông thường niên 2023, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết, với tiềm lực, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.
Trong năm 2023, TPBank cũng thực hiện chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25% cho cổ đông. Trả lời thắc mắc về việc liệu những năm sau, TPBank còn chia bằng tiền mặt hay không, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú nói mức chia 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng trong năm qua là "trái ngọt".
Ông bỏ ngỏ kế hoạch tương lai, nhưng khẳng định nếu việc kinh doanh thuận lợi, sẽ chia cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt. Trong đó, mức chia bằng tiền mặt sẽ "đáng kể".
|
Nhiều đơn vị dự kiến trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân). |
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong suốt 10 năm, kể từ năm 2013. Tuy nhiên, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".
Theo ông Hùng Anh, cổ tức có 2 phần, gồm tiền mặt và cổ phiếu. Năm 2017, ngân hàng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu. Về cổ tức tiền mặt, ông cho rằng còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng.
Vấn đề cổ tức tiền mặt cũng được đưa ra trong phiên họp thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB). Theo đó, một cổ đông đề nghị SHB xem xét chuyển tỷ lệ chi trả cổ tức 18% của năm 2022 thành một phần bằng tiền (5-6%) và một phần bằng cổ phiếu.
Ngoài những đơn vị kể trên, năm 2023, 3 ngân hàng cũng đã thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là HDBank, ACB và MB.
Theo Nhật Quang/Dân tri