Loạt mặt hàng sẽ cực ế ẩm trong tháng cô hồn

Google News

Không phải thứ gì cũng có thể mua sắm trong tháng cô hồn. Theo quan niệm dân gian, một số thứ sau nếu sắm trong tháng này thì sẽ gặp xui xẻo nên nhiều người tránh mua khiến các chủ kinh doanh ế ẩm.

Bất động sản
Trong quan niệm của người Việt từ xưa thường hạn chế chuyển nhà trong tháng cô hồn. Vì trong tháng 7 âm lịch hàng năm có Lễ Vu Lan báo hiếu. Đây là thời điểm giao thoa tâm linh giữa người đã khuất và người trên trần gian.
Theo phong thủy nhà đất, nhiều người kinh doanh bất động sản thường quan niệm rằng: "Chuyển nhà trong tháng 7 âm thường kinh động đến người đã khuất”. Và trong quan niệm của cha ông ta "Trần sao âm vậy”, nên trong tiềm thức, người Việt thường hạn chế chuyển nhà vào tháng 7 âm lịch.
Loat mat hang se cuc e am trong thang co hon
 Ảnh minh họa.
Chính vì tâm lý này mà bước vào tháng 7 âm lịch hàng năm, dường như mọi sinh hoạt của xã hội có dấu hiệu trùng xuống, trong đó có kinh doanh bất động sản và có lẽ, chỉ ngành kinh doanh vàng mã là phát tài.
Hầu hết các chủ đầu tư BĐS đều cho biết, đây được cho là tháng ăn chơi của nhà đầu tư và các sàn giao dịch địa ốc. Đơn cử, vào những tháng bình thường, giao dịch mỗi dự án mở bán có thể lên đến hàng trăm giao dịch thành công, nhưng đối với tháng ngâu, lượng giao dịch tụt xuống chỉ vài giao dịch.
“Người Việt thường coi trọng tâm linh, ngay cả tâm linh của các công ty cũng có những kiêng cữ nhất định trong việc động thổ dự án mới. Đặc biệt, ở tháng 7 âm lịch cũng là tháng mưa nhiều gây trở ngại cho việc làm nhà, động thổ xây dựng, nên doanh nghiệp đa phần sẽ thực hiện phát triển pháp lý dự án, tổng kết quý và lên phương hướng phát triển thị trường cho các tháng cuối năm, thay vì phát triển và bán dự án mới” - một chủ đầu tư cho biết.
Đối với các sàn giao dịch bất động sản, tháng ngâu cũng được cho là tháng ăn chơi, bởi khách hàng không có. Chính vì vậy, cứ vào tháng ngâu là các doanh nghiệp lại lo “sốt vó” vì không có doanh thu bán hàng, đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp sẽ lỗ nặng tháng đó.
Xe
Anh Việt Anh, một chủ cửa hàng mua bán xe cũ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết tất cả các tháng trong năm thì chỉ có tháng 7 âm lịch là hầu như "ngồi chơi".
Nhiều người tránh mua, thậm chí bán xe vào tháng 7 âm lịch vì một nguyên nhân có từ thời còn chưa có ôtô. Các cụ thường gọi tháng này là tháng 'Ngâu' hoặc tháng 'Cô hồn' đồng nghĩa với việc không may mắn và không nên làm việc gì dù lớn nhỏ. May lắm thì mua được xe của người quá cần tiền bán gấp, hoặc cũng có khi bán được một chiếc cho người quá cần". Người mua bán xe cũ "kiêng", người mua xe mới "tránh".
Chưa có chứng minh khoa học nào cho việc không may khi mua bán xe vào tháng 7 âm lịch. Nhiều trường hợp mua xe vào những tháng khác trong năm vẫn có thể xảy ra trục trặc nhưng nếu cùng là những trục trặc đó rơi vào xe được mua bán trong tháng 7 âm lịch thì nhất định là tại mua xe tháng "ngâu".
Một trong ba việc quan trọng nhất của người Việt là "Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" và theo quan niệm đó thì việc mua xe giống như việc tậu trâu. Là việc lớn, nên khá nhiều người có tâm lý tránh cho lành. Nhiều người cố gắng mua xe sớm hơn hoặc "chờ mãi rồi" chờ thêm một tháng nữa thì cũng nên.
"Vì vậy, thường tháng trước và sau tháng 7 âm lịch việc mua - bán xe khá sôi động có khi chỉ thua tháng giáp Tết" - anh Việt Anh cho biết thêm.
Quần áo
Không nằm ngoài xu thế doanh thu sụt vì tháng "cô hồn", các shop quần áo nhất là shop quần áo cho trẻ sơ sinh thấp thỏm chờ đợi qua tháng 7 âm lịch. Vì theo quan niệm dân gian xưa, tháng "cô hồn" là tháng đốt các quần áo cho người âm, nhớ đến người đã khuất nên không may quần áo mới, một số bà mẹ thì quan niệm tránh mua quần áo cho trẻ sơ sinh.
Chị Ngân (kinh doanh quần áo thời trang Online) cho hay: "Dù không phải 100% khách quan niệm như vậy. Nhưng cứ đến tháng 7 Âm lịch là khách sụt hẳn. Trước đây khách hỏi mua ít nhất 30-40 bộ quần áo/ngày thì tháng 7 âm may ra được vài ba bộ/ngày".
Còn các cơ sở may quần áo thường tranh thủ dịp tháng 7 giải quyết hết các quần áo đã đặt trước nhưng chưa may kịp. Còn khách đặt mới hầu như không có.
Dịch vụ cưới hỏi
Không chỉ đồ cho trẻ sơ sinh, cửa hàng đồ chuẩn bị cho các đám cưới hỏi cũng rất ngại tháng "cô hồn". Bà Huyền - chủ cửa hàng đồ sính lễ ở phố Trần Khát Chân cũng thấy việc kinh doanh tháng 7 ế ẩm hơn hẳn. Không đóng hẳn cửa hàng vì chi phí thuê mặt bằng tại đây khá đắt nhưng bà Huyền cho biết số người làm thuê giảm một nửa. "Chúng tôi coi nửa tháng này như những lúc 'nông nhàn', tạo điều kiện cho mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, đi du lịch", bà Huyền nói.
Với quan niệm từ xa xưa, tháng 7 Âm lịch - tháng "cô hồn" là thời điểm không ai tổ chức cưới xin do lo sợ xui xẻo, cặp đôi gặp xúi quẩy và hạnh phúc không bền. Đây cũng chỉ là quan niệm nhưng được lưu truyền trong dân gian.
Chính điều này cũng ảnh hưởng đến dịch vụ cưới hỏi trọn gói. Anh Tuấn (nhân viên dịch vụ cưới hỏi) cho biết, bắt đầu tháng 7 là nhân viên của cửa hàng tự tìm công việc làm thêm hoặc về quê tranh thủ nghỉ ngơi hay đi du lịch. Nếu như các tháng cưới như tháng 3 âm lịch hay tháng 10 âm lịch làm không hết việc thì tháng 7 âm lịch chủ yếu là khách tham khảo giá, đặt thiệp, đặt gói cưới cho các tháng sau để đỡ đông khách.
Theo Giadinh.net.vn