Dư luận đang chú ý đến thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch (condotel) cho các khách hàng (các nhà đầu tư giới thứ cấp) tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Thứ nhất, văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường đã xác định các dự án du lịch nghỉ dưỡng sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Hai là Nhà nước cho các tổ chức thuê đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ trên cơ sở dự án đầu tư hoặc có đơn xin thuê đất, với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm; khi hết hạn thì được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu.
Ba là Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng đã được phê duyệt, để xác định các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, theo trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định của pháp luật về đất đai cho người nhận chuyển nhượng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Ngay sau khi văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel xuất hiện đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới doanh nghiệp vì cho rằng đây giống như một “đòn bẩy” kinh tế với các dự án condotel. Tuy nhiên một số ý kiến từ phía dư luận lại thắc mắc: Với những dự án condotel từng dính sai phạm, liệu có đủ điều kiện để được cấp “sổ hồng” 50 năm hay không?
|
Khách hàng dự án Panorama Nha Trang “tố” Công ty Vịnh Nha Trang “chiếm dụng vốn, bàn giao chậm”. (Ảnh: Pháp luật và Cuộc sống). |
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua có rất nhiều dự án condotel bị khách hàng tố sai phạm, từ việc cam kết lợi nhuận cho đến việc bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính khi đi vào hoạt động.
Đầu tiên phải nhắc đến là dự án Panorama Nha Trang, có địa chỉ tại số 2, đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do Công ty Vịnh Nha Trang làm Chủ đầu tư.
Tổng diện tích của dự án này hơn 4.400m2, thiết kế 39 tầng nổi, 2 tầng hầm, 6 tầng thương mai và 33 tầng căn hộ, hơn 1000 căn hộ Condotel và Shophouse.
Vào tháng 9/2019, Panorama Nha Trang bị khách hàng tố quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo. Thậm chí, Công ty Vịnh Nha Trang con bị tố đã đưa ra bài toán lợi nhuận, với “giả thiết” sau khi bàn giao căn hộ chuẩn 5 sao quốc tế đưa vào sử dụng, khai thác với tỷ lệ lấp đầy của khách sạn luôn đạt trên 90% và khách du lịch thuê với giá xấp xỉ 2 triệu một đêm thì mỗi năm những khách hàng là nhà đầu tư sẽ đem về khoản lợi nhuận 650 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí dịch vụ, khoản lợi nhuận mang về có thể đạt 400-500 triệu/năm tương đương lãi suất 14%/năm.
Với cách tính trên, mỗi khách hàng sau một thời gian ngắn có thể thu hồi lại được tiền “vốn” bỏ ra đầu tư và bắt đầu chu kỳ khai thác lợi nhuận. Ngoài ra, mỗi khách hàng có thể tự tìm kiếm khách thuê và thỏa thuận giá nhằm tối đa hóa tỷ suất sinh lời.
Tuy nhiên, theo khách hàng những cam kết trên chỉ thể hiện trên mặt giấy, khi nhận căn hộ hàng trăm mới “té ngửa” vì căn hộ bàn giao không phải 5 sao mà chỉ là căn hộ với chất lượng dưới 3 sao, lợi nhuận tối đa là 7%/năm giá trị căn hộ.
Không chỉ vậy, Panorama Nha Trang còn bị khách hàng tố ngang nhiên xây dựng khi chưa đủ điều kiện, hoặc đầu tư chiếm dụng vốn, bàn giao chậm.
|
Sản phẩm condotel của Công ty Cổ phần Apec Land Huế được quảng cáo tràn lan trên mạng Internet dù doanh nghiệp này không được cơ quan chức năng cho tổ chức hình thức condotel. (Ảnh: Dân Việt). |
Tiếp đó, là dự án Apec Mandala Windham Huế, tại lô đất có ký hiệu DV1 thuộc phạm vi đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 thuộc Khu B - Đô thị mới An Vân Dương, (tỉnh Thừa Thiên- Huế) của Tập đoàn Apec.
Thông tin trên báo Văn Hóa cho biết, đầu tháng 10/2019, mặc dù các cơ quan chức năng không chấp thuận dự án này đầu tư mô hình condotel, nhưng vẫn được nhiều Công ty môi giới bất động sản rao bán ồ ạt, thậm chí hơn 300 khách hàng đã “đặt chỗ” ở khu dự án.
Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó đã có văn bản yêu cầu dừng ngay việc quảng bá, nhận đặt chỗ, rao bán, giao dịch các sản phẩm căn hộ khách sạn của Công ty Cổ phần Apec Land Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời điểm đó dự án cũng chưa đáp ứng điều kiện bán được quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về vụ việc, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh kiểm tra các nội dung thông tin, nội dung phản ánh của Ban Quản lý Khu vực đô thị để xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo và báo cáo UBND tỉnh kết quả đã thực hiện…
|
Khu đất dự án Apec Mandala Windham Huế không được xây dựng các hình thức căn hộ khách sạn. (Ảnh: Kinh tế môi trường). |
Ngoài các dự án trên, năm 2019, dự án khách sạn TMS Luxury Đà Nẵng (condotel), có địa chỉ tại lô A3, đường Võ Nguyên Giáp (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) do Công ty cổ phần TMS Hotel Đà Nẵng làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Xây dựng Hồng Trí Việt là nhà thầu thi công, khiến dư luận vô cùng bức xúc khi liên tục “đầu độc” môi trường biển.
Cụ thể, TMS Luxury Đà Nẵng được quảng cáo là khách sạn 5 sao, đạt chuẩn quốc tế, nhưng lại không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM. Do vậy, vào cuối tháng 3/2019, MS Luxury Đà Nẵng đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền gần 100 triệu đồng.
Bên cạnh quyết định xử phạt hành chính, Thanh tra Sở TN&MT buộc TMS Luxury Đà Nẵng phải có biện pháp khắc phục hậu quả, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với công nghệ, công suất xử lý đúng với ĐTM đã được phê duyệt. Thời hạn khắc phục trong 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt và phải báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Sở TN&MT.
|
TMS Luxury Đà Nẵng, dự án condotel tai tiếng "đầu độc" môi trường biển. |
Đáng chú ý, tháng 8/2017, chủ đầu tư và nhà thầu của dự án này từng 2 lần bị Sở Xây dựng Đà Nẵng xử phạt với số tiền 14 triệu đồng, cũng với hành vi xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố khi chưa được phép, gây tràn nước thải ra biển…
Tiếp đó nữa là dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy, có địa chỉ tại xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) do Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư.
Theo giới thiệu, Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy được động thổ ngày 30/9/2019, với diện tích xây dựng dự kiến gần 9,7ha. Thiết kế 2 tòa khách sạn cao 30 tầng, cung cấp ra thị trường hơn 2000 căn hộ cao cấp. Tầng hầm là nơi để xe.
Điều đặc biệt ở dự án này là xây dựng tại khu vực lõi của mỏ khoáng nước nóng Thanh Thủy kéo dài hơn 1 km2. Dự án cũng rất gần với các điểm tham quan du lịch nổi tiếng như: Vườn quốc gia Ba Vì, Khu di tích K9 - Đá Chông, Đền Lăng Xương - nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, Khu di tích đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn…
|
Dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy vẫn đang chỉ là bãi đất trống, trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Khách hàng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro khi đầu tư vào dự án này. (Ảnh: Tầm Nhìn). |
Mục tiêu của dự án là hướng đến xây dựng khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, tiêu chuẩn 5 sao, khoáng nóng, vui chơi giải trí, xông hơi, xông khô, khách sạn cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc và phục hồi trị liệu sức khỏe. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng quý IV/2021.
Tuy nhiên, từ thời điểm dự án này động thổ (ngày 30/9/2019), đến nay, khu đất được cho là địa điểm xây dựng Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy vẫn chỉ là bãi đất trống, xung quanh mọc đầy cỏ dại. Thậm chí, khu vực này còn là nơi để người dân địa phương chăn thả gia súc, bên ngoài quây những tấm biển quảng cáo lung linh về dự án.
Mặc dù dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy vẫn đang là bãi đất trống, nhưng trên nhiều trang mạng về bất động sản còn ngang nhiên rao bán dự án một cách rầm rộ khiến nhiều người ngỡ ngàng...
Khánh Hoài (T/H)