Con Sam thuộc họ Sam (Limulidae) gồm khoảng 4,5 thành viên là những loài duy nhất trong bộ đuôi kiếm còn sinh tồn hiện nay. Bên cạnh đó, vì đã tồn tại từ cách đây xấp xỉ 450 triệu năm, nên Sam còn được coi là hóa thạch sống
Các tài liệu khoa học cho biết Sam thuộc ngành chân khớp (lớp giáp cổ), bơi chậm và bò như cua. Với 6 đôi chân mọc ở phần đầu thân tua tủa gai nhọn nối với chiếc đuôi nhọn hoắt, Sam là loài có cấu tạo kỳ quái. Loài này sống ở độ sâu 4-10m, mỗi lần đẻ từ 200-1.000 trứng. Sau 6 tuần, trứng Sam nở thành ấu trùng và qua 16 lần lột xác, Sam con trưởng thành.
Sam sống dưới biển, nhiều nhất là vùng cửa sông nơi có cát pha bùn, độ sâu 4-10m. Thức ăn của chúng là các loài giáp xác như tôm, cua có nhiều ở các cửa sông, đầm lầy ven biển. Tại Việt Nam, sinh vật này xuất hiện nhiều ở vùng biển Cát Bà, Hạ Long, Cần Giờ hay Quảng Yên…
Sam biển sống thành từng cặp, con đực bám trên lưng con cái, đi đâu cũng song hành. Bởi vậy mà dân gian có câu nói "dính như Sam". Đối với ngư dân, sự thủy chung của loài Sam đã trở thành biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng, tình đoàn kết, đức hy sinh cao cả. Do đó, họ thường đánh bắt cả 2 con Sam cùng lúc. Nếu chỉ có một con lẻ dính lưới, ngư dân sẽ nhanh chóng thả nó về biển.
Không chỉ là một loại hải sản ngon có tiếng, máu Sam còn rất có giá trị, nhất là trong y học. Máu của loài Sam đặc biệt ngay từ màu sắc. Thay vì màu đỏ như của con người hay đại đa số các loài động vật khác, máu Sam lại mang màu xanh dương nhạt.
|
Máu sam biển chứa một chất làm đông đặc biệt dùng để nhận biết mầm bệnh.
|
Nguồn gốc của màu sắc khác thường này đến từ nguyên tố đồng có trong thành phần máu của chúng (trong khi con người có máu đỏ là do chứa sắt). Hiển nhiên, việc sở hữu một màu sắc kỳ lạ không thể nào là nguyên do để máu của loài động vật này được bán với mức giá hơn 400 triệu đồng mỗi lít.
Theo nghiên cứu, máu của loài Sam có chứa một nhân tố đông máu đặc biệt có tên là Limulus amebocyte lysate (LAL) có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm.
Trước khi khám phá ra LAL, giới khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định xem liệu vắc-xin hay các dụng cụ y tế có bị nhiễm khuẩn hay không? Cách được áp dụng phổ biến vào thời kỳ đó chính là tiêm thử vắc-xin vào những con thỏ thí nghiệm và chờ xem phản ứng (đương nhiên cách làm này tốn khá nhiều thời gian cũng như phi nhân đạo).
Mãi đến năm 1970, mọi thứ mới thực sự thay đổi khi LAL được đưa vào sử dụng. Chỉ với việc nhỏ một vài giọt LAL vào thiết bị y tế hay vắc-xin, hợp chất này sẽ ngay lập tức phủ lên bất kỳ vi khuẩn Gram âm nào mà nó phát hiện bằng một cái kén dạng dẻo, đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết sự hiện diện của vi khuẩn trong các vật tư y tế, thứ có thể cướp đi mạng sống của người bệnh.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) luôn yêu cầu thuốc chích và các dụng cụ y tế tiếp xúc với cơ thể người bệnh phải qua kiểm tra bằng máu Sam. Do đó, máu Sam có tác dụng cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày.
Bác sĩ John Dubczak thuộc Phòng thí nghiệm Charles River (Mỹ) cho biết, công nghệ phát hiện độc tố nhờ máu Sam đang ngày càng trở nên nhạy và chính xác hơn. Phòng thí nghiệm Charles River đang phát triển các thiết bị thử độc tố có thể được sử dụng bên ngoài phòng thí nghiệm, thậm chí trên không gian như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Các nhà khoa học Nhật Bản cũng đang thực hiện thử nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm nấm và nghiên cứu phát triển liệu pháp chống virus, chống ung thư dựa trên cơ chế cô lập và vô hiệu hóa độc tố của máu Sam.
Chính vì ứng dụng to lớn và hiện chưa thể thay thế bằng các biện pháp nhân tạo nên hàng năm ngành công nghiệp dược phẩm vẫn đang đánh bắt khoảng 600.000 con Sam, để phục vụ cho việc chiết xuất các loại thuốc phát hiện nhiễm khuẩn.
Vì số lượng Sam trên thế giới là có hạn nên cách lấy máu Sam mang tính chất bảo tồn và hạn chế việc làm chết chúng. Theo đó, mỗi chú Sam sẽ được hút 30% lượng máu trong cơ thể.
Dẫu vậy, vì đây cũng là một lượng máu khá lớn nên khoảng 30% cá thể Sam thường không thể qua khỏi quá trình lấy máu. Bên cạnh đó, cũng không ai chắc về việc 70% còn lại sẽ hồi phục ra sao sau khi được trả lại tự nhiên.
Theo Minh Hoa/Nguoiduatin