Điều khiến những người yêu dược liệu, nông nghiệp, ham làm giàu cả nước quan tâm đến nó là bởi câu chuyện thú vị xoanh quanh truyền thuyết dùng để tiến vua.
Sâm quý tiến vua
Tôi tìm về huyện Tân Yên (Bắc Giang) để trao đổi về loài sâm quý tiến vua này. Sau khi gặp Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Quang Lượng trao đổi thì ông rất hứng thú. Phó Chủ tịch huyện Tân Yên nói tỉnh Bắc Giang cũng đã giao cho một số cơ quan trong tỉnh nghiên cứu, nhân giống và bảo tồn loài sâm này.
“Tôi cũng đã sử dụng sâm tiến vua ở núi Dành và nhận thấy nó tốt thực sự nhà báo à. Nếu không bảo tồn, nhân giống và phát huy giá trị của nó thì cực kỳ lãng phí”, ông Nguyễn Quang Lượng nói.
|
Người dân ở Sơn Động (Bắc Giang) tìm thấy một cây sâm nam trong rừng. |
Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Lượng bảo tôi phải về tận núi Dành để thực tế, rồi ông lấy xe trực tiếp lái đưa tôi và mấy cán bộ nông nghiệp huyện về nhà ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập.
Ông Lượng đã về đây nhiều lần, nên gia chủ nhận ra ngay, tiếp đón thịnh tình. Gọi là thịnh tình, chứ thực tế, là anh Đăng bê ra bình rượu ngâm mấy củ sâm trông như củ sắn dây, cỡ ngón tay, ngâm trong bình rượu ra màu nước vàng nhạt. Anh Đăng bảo, khách quý tôi mới lôi rượu này ra mời.
Mỗi người một chén nhâm nhi, ai cũng tấm tắc khen vị rượu ngọt, thơm mát của giống sâm lạ. Anh Đăng dẫn tôi ra vườn ngay sau nhà, dưới chân núi Dành. Vườn sâm như vườn khoai vườn sắn, với những bụi dây lá xum xuê, mọc lan mặt đất.
Theo anh Đăng, cái lùm to nhất đã có tuổi 70 năm do bà ngoại của anh trồng. Khi đó, bà anh còn trẻ, mẹ anh mới chập chững biết đi. Bà dẫn con gái lên núi Dành đào được củ sâm, đem ra chợ bán, nhưng chẳng ai mua, nên đem về vườn nhà trồng lại.
Củ sâm mọc mầm, lên nhanh, dây cắt đi, nó lại mọc dây khác. Moi đất đào củ dùng, từ cái gốc nó lại đâm rễ, rễ phình lên thành củ.
Theo anh Đăng, thời kỳ đó, các cụ trong khu vực cũng đã biết đến giống sâm này và cũng biết nó quý, sử dụng nó như thuốc. Trong làng, ai có người sốt cao, mệt mỏi, thì đều đến nhà anh Đăng xin củ sâm về dùng.
Điều đáng nói, nó giúp giải nhiệt, hạ sốt tốt và đang ốm yếu ăn củ sâm thì khỏe lại nhanh chóng. Khi đó, chẳng có chuyện thương mại, cứ ai xin thì anh bới gốc đào cho một vài củ. Rồi, từ cây sâm đó ra quả, có hạt, anh lại gieo quanh trong vườn để dùng và cho hàng xóm mà thôi.
Điều thú vị là ở vùng đất này, lưu giữ truyền thuyết về cây sâm. Dân gian nơi đây vẫn thuộc câu ca “Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/ Chữa lòa cho mắt lại lành như xưa”. Câu ca này bắt nguồn từ câu chuyện mẹ vua Tự Đức được chữa khỏi bệnh lòa mắt từ củ sâm nam ở núi Dành.
Theo truyền miệng, Thái hậu Từ Dũ bị mắc bệnh lạ, mắt lòa dần rồi mù luôn. Các thái y trong cung rồi các thần y khắp nước chữa trị, nhưng chẳng ăn thua gì. Nghe tin, một vị quan xứ Kinh Bắc đã dâng lên vua củ sâm nam quý hiếm ở núi Dành. Thái hậu dùng củ sâm thì khỏi bệnh, mắt sáng như thường.
Từ đó, củ sâm này trở thành sản vật tiến vua, hàng năm được dâng lên cho vua dùng, nên ngoài cái tên sâm nam, cát sâm, nó còn có tên là sâm tiến vua. Từ khi loài sâm quý này được dùng để tiến vua, thì nó gần như tuyệt chủng.
Người dân kéo lên núi Dành săn lùng, nhổ sạch hết. May mắn thay bà ngoại anh Đăng nhổ được một củ, trồng lại trong vườn nhà, rồi nhân ra được như ngày nay.
|
Gốc một cây sâm nam to và cứng, có nguồn gốc ở Thái Nguyên, tương đồng với loài trồng nhiều ở Trung Quốc. |
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Tên, nỏ sản xuất ở huyện Yên Thế, cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn”. Bắc Giang vốn là xứ Kinh Bắc, còn huyện Tân Yên ngày nay là Yên Thế khi xưa. Thế nên, loài sâm này còn có một tên khác nữa, là “sâm chung sơn”.
Thời điểm sâm Ngọc Linh lên cơn sốt và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi là “Quốc bảo của Việt Nam”, tôi tìm gặp dược sĩ Đào Kim Long, là người đầu tiên phát hiện ra cây sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Sau khi kể câu chuyện hết sức ly kỳ về quá trình tìm ra cây “thuốc giấu”, sâm K5, hay gọi theo tên núi là tiết trúc Ngọc Linh, thì ông bảo: “Tớ quý nhà báo lắm, nên tặng cho ít sâm chung sơn. Tớ là người dùng sâm Ngọc Linh nhiều, nhưng cũng phải công nhận sâm chung sơn là loại sâm rất quý, rất tốt. Tiếc là chưa phát triển được nó cho người dân sử dụng”.
Nói rồi, ông nhờ lấy sâm, dùng dao cắt bớt củ, để chỉ còn đúng 5 lạng không hơn không kém, vì theo ông, tặng 1 cân Tàu, chứ không phải cân Việt Nam. Sau này, tôi tìm hiểu mới biết, núi Dành còn có tên khác là núi Chung, hay còn gọi là Chung Sơn.
Một số ít nhà khoa học nghiên cứu sâu về sâm, thực vật như dược sĩ Đào Kim Long đã biết đến nó từ lâu và sử dụng nó, nhưng ít phổ biến ra cho dân sử dụng vì chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về nó.
Sau đó, tôi đem mấy củ sâm được sĩ Đào Kim Long tặng đi kiểm định ở một trung tâm khoa học của Học Viện Kỹ thuật Quân sự, thì thấy hàm lượng Saponin tổng hợp khá cao, tới 4%. Có lẽ, cũng chính vì nó quý hiếm như vậy, nên người dân ở chân núi Dành đã có ý thức bảo tồn, nhân giống và bán lẻ tẻ với giá 2-3 triệu đồng/kg sâm tươi.
Sâm trong rừng sắp tuyệt chủng
Biết đây loài sâm quý nên tôi lang thang dọc các dải núi vùng Yên Thế khi xưa dò hỏi. Câu trả lời từ những người buôn bán, khai thác dược liệu, là ngày xưa từng có loại sâm này trong rừng, nhưng bây giờ chúng biến mất một cách kỳ lạ. Từ mấy chục năm nay, không ai nhìn thấy chúng ngoài tự nhiên nữa.
Khi lang thang sang vùng Sơn Động, một huyện tận cùng của Bắc Giang, giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, địa thế núi rừng trùng điệp, nơi có rừng lim lớn nhất Việt Nam, tôi đã tìm thấy loài sâm này trong tự nhiên.
Nhiều năm qua, người Trung Quốc sang tận nơi đặt các đầu mối thu gom sâm nam xuất sang Trung Quốc. Mỗi huyện họ đặt 1-2 đầu mối, khi thu gom được số lượng nhất định, thì chuyển đến cửa khẩu Lạng Sơn bán cho thương lái Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Nga, người có 30 năm thu gom sâm ở Sơn Động bán sang Trung Quốc cho biết: “Ở chỗ tôi gọi nó là sâm nam. Ngoài ngâm rượu uống thì cũng chẳng biết để làm gì, chỉ bán sang Trung Quốc là chủ yếu. Trước đây, mỗi ngày tôi mua được một vài tạ củ. Cả huyện đi đào cho tôi.
Cứ vài hôm, gom được cả tấn thì thương lái Trung Quốc đến cân rồi chở đi. Giờ thì hiếm lắm, cả tuần có khi gom được vài ký. Củ sâm hiếm rồi nên người Trung Quốc họ mua cả dây. Người dân đào hết cả củ, rễ, cắt cả dây bó lại bán sang Trung Quốc”.
Tôi khảo sát vòng từ huyện Sơn Động, từ tây Yên Tử, sang huyện Đông Triều, rồi phía đông, phía bắc Yên Tử thuộc các huyện Cẩm Phả, Uông Bí, đều thấy xuất hiện loại sâm núi Dành mà người dân gọi là củ sâm nam.
|
Tác giả bên một cây sâm nam trong rừng Sơn Động. |
Nhưng, chúng quá hiếm. Từ chục năm trước, người Trung Quốc đã thu mua cạn kiệt. Giờ rất hiếm trong tự nhiên. Những thợ săn, những người đi tìm dược liệu, hễ gặp dây sâm nào, là đào tận gốc, tận rễ.
Tuy nhiên, điều thú vị, là những dãy núi phía tây Yên Tử, rừng rậm còn nhiều, trùng điệp đến tận Lạng Sơn, nên trong rừng sâu vẫn tìm thấy loài sâm này trong tự nhiên. Vùng núi này, là điệp trùng rừng lim xanh, lim đỏ, người dân thích đi thu hái nấm lim bán đắt tiền, nên vì thế, mà loài sâm nam vẫn còn sót lại trong những cánh rừng già.
Tôi đã bỏ nhiều ngày, luồn lách trong những cánh rừng trúc, rừng lim, đi cùng giới săn nấm và cũng đã được tận mắt loài sâm này trong tự nhiên. Chúng hay xuất hiện ở những khu rừng trúc, rừng thưa và người đi rừng chỉ nhìn thấy chúng qua những chiếc lá hoặc những chùm hoa trắng muốt treo tít tận trên ngọn tre, trúc, hoặc cây rừng.
Phần dưới đất hoặc quấn vào thân trúc chỉ nhỏ như cái đũa, ngón tay, lẫn với cả ngàn loại dây leo khác, nên rất khó phát hiện. Có lẽ, chỉ còn dải đất phía Tây và Bắc của Yên Tử, là còn loại sâm nam tự nhiên, cùng với loài ở núi Dành mà thôi. Rất cần các nhà khoa học khoanh vùng và bảo tồn nó như một loài sâm quý.
Chàng trai Tày bảo tồn sâm
Ngược lên vùng Võ Nhai (Thái Nguyên), tôi gặp được chàng trai người Tày Dương Trung Hiếu, là người bảo tồn nguồn gen loại sâm quý này. Dương Trung Hiếu sinh năm 1983, cả mấy anh em đều hành nghề bốc thuốc Nam, thừa hưởng nghề gia truyền của tổ tiên.
“Ngày xưa, ở vùng Võ Nhai núi đá này, sang tận Bắc Kạn có rất nhiều sâm nam, em mua cả tấn cũng được. Nhưng giờ, thì như anh thấy đấy, chúng tuyệt chủng đến nơi rồi. Người Trung Quốc họ thu mua từ 50-60 năm trước cơ.
Cách nay khoảng 20 năm thì cơ bản trong tự nhiên đã không còn sâm nam nữa. Các cụ nhà em dùng sâm nam trong một số bài thuốc, đặc biệt là các bài thuốc bổ phế, chữa ho là không thể thiếu, nên vẫn phải trồng nó, rồi động viên người dân cùng trồng và cam kết thu mua cho họ mới có nguồn thuốc để dùng. Nhưng, sâm này đắt, nên chỉ sử dụng số lượng nhất định, chứ không dùng phổ biến được”, Dương Trung Hiếu chia sẻ.
|
Cây sâm nam bò lên ngọn cây ra hoa trắng ở rừng Sơn Động. |
Anh chàng lương y Dương Trung Hiếu dẫn tôi trèo lên dãy núi rộng cả chục ha sau nhà, nơi mấy anh em cậu gieo trồng nhiều loại cây thuốc. Tôi thấy sâm nam leo khắp các hàng rào, lối đi, quả sai trĩu trịt. Giữa dãy núi mênh mông, mảnh vườn độ 1 sào, là nơi Hiếu trồng toàn sâm nam.
Tôi nhìn vườn sâm nam, thấy khá lạ lùng, vì nhiều loài quá, vừa giống nhau lại rất khác nhau. Tôi hỏi sâm nam núi Dành, Hiếu chỉ vào vào mấy cái lùm dưới mặt đất, là những cây sâm nhỏ xíu, còi cọc, lá nhỏ, dây mềm.
“Giống sâm núi Dành dây mềm, lá nhỏ và chậm lớn lắm anh ạ. Em trồng mấy năm nay mà nó cứ còi cọc. Có lẽ là không hợp đất nữa. Trồng 4-5 năm rồi mà củ bằng ngón tay. Chất lượng thì cũng xêm xêm thôi”, Hiếu chia sẻ.
Dương Trung Hiếu chỉ cho tôi đến 7-8 loại sâm Nam mà anh gom về từ khắp cả nước, từ Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Có loại lá to, loại lá nhỏ, loại thân nhỏ, loại dây to, loại ngọn màu tía, loại màu trắng. Riêng loại sâm bản địa ở Võ Nhai, thì rất kỳ quái, với phần gốc to và cứng như thân gỗ, nhưng phần ngọn thì như dây leo.
“Loài này lớn cực nhanh, cực khỏe. Trồng ở núi đá sỏi, khô cằn, mà nó đâm rễ sâu 1-2m rồi phình ra thành củ nứt cả đất. Em trồng ở cạnh tường gạch, mà nó còn xuyên qua tường để ra củ. Trồng 4-5 năm thì khai thác, năng suất cao.
Em toàn phải dùng máy múc để đào sâm, chứ đào tay cả ngày chẳng xong một gốc. Giống này sức sống cực mạnh mẽ, nó mà mọc lên thì đè chết cả cỏ. Nó cho chất lượng cao, tinh bột nhiều, chất nhiều mà năng suất lại cao, nên phát triển nó là hợp lý nhất. Người Trung Quốc cũng chủ yếu trồng loại này thôi. Đây là loài bản địa ở Thái Nguyên luôn anh ạ”, Hiếu hào hứng cung cấp thông tin.
Để tìm hiểu cho hết ngọn ngành, tôi tìm gặp Tiến sĩ Nguyễn Thế Lương, là giảng viên người Việt đang giảng dạy ở Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc).
Ông là chuyên gia về dược liệu phương Bắc và cùng anh sang Trung Quốc tìm hiểu về loại sâm này. Hóa ra, loài sâm tiến vua của Việt Nam, với nhiều tên khác như sâm nam, cát sâm, sâm sắn, sâm hoàng liên là thứ hiện diện rất nhiều trong món ăn cao cấp của người Trung Quốc.
|
Loại sâm này cực kỳ nổi tiếng ở vùng Hải Nam (Trung Quốc) và tên địa phương gọi là củ hải quân, củ sen núi, bộ hải quân lộn ngược, củ khoai tây mạnh mẽ. |
Nó được sử dụng phổ biến như sâm Trường Bạch (nhân sâm), đảng sâm, tam thất, sâm Mỹ... Người Trung Quốc gọi nó là Southern Ginseng Niu Dali, có nghĩa là “sâm nam Ngưu Đại Lực”, tức là loại sâm ở phía nam có tên Ngưu Đại Lực.
Loại sâm này cực kỳ nổi tiếng ở vùng Hải Nam (Trung Quốc) và tên địa phương gọi là củ hải quân, củ sen núi, bộ hải quân lộn ngược, củ khoai tây mạnh mẽ... Các tài liệu nghiên cứu cho biết thành phần chính như protein, polysaccharides và alkaloids.
Ngưu Đại Lực là một vị thuốc quý hiếm, nó có danh tiếng là "Nhân sâm nhỏ phương Nam" với các tác dụng như tăng cường thể lực mạnh mẽ. Vì giá trị dinh dưỡng cực cao nên nó thường được dùng làm món canh chữa bệnh trong dân gian, phù hợp với mọi lứa tuổi, thể trạng, đặc biệt hữu ích cho người già, người trung niên và thanh niên, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Cũng chính vì ăn Ngưu Đại Lực quanh năm mà thị trấn Gia Tử có nhiều người già sống lâu và trở thành một địa điểm sống thọ nổi tiếng Trung Quốc.
Nhiều năm nay, Ngưu Đại Lực là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ở thành phố Hải Khẩu và là sản phẩm chủ lực được phát triển và quảng bá bởi Hainan Shuangjian Biological Technology Co, Ltd.
Công ty này đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở trồng trọt rộng hơn 5.000 mẫu Anh ở thị trấn Gia Tử, có tất cả mọi thứ từ trồng cây giống, trồng trình diễn, phát triển sản phẩm, sản xuất và chế biến, cung cấp cho cả nước sử dụng.
Theo tài liệu từ công ty này, nếu trồng trong môi trường hoang dã, sau 4-6 năm sinh trưởng tự nhiên, thân rễ đâm sâu vào tầng đất 1-2 mét, thậm chí đến 3-5 mét, tích lũy chất dinh dưỡng trong suốt thời gian dài sinh trưởng.
Ngưu Đại Lực là một trong 87 dược liệu nổi tiếng của Trung Quốc được Bộ Y tế nước này ban hành cùng nguồn dược liệu và thực phẩm, có giá trị dược liệu phong phú. Bài thuốc sử dụng nó có từ lâu đời và đã được ghi trong nhiều dược điển, lần đầu tiên được thấy trong bài bào chế thuốc Nam, tăng cường cơ bắp và các kinh phế, bổ phế, dưỡng phổi, trị đau thắt lưng, đau khớp do phong thấp, viêm gan mãn tính, lao phổi.
|
Người dân đào sâm trên núi. |
Cuốn sách "Lu Chuan Materia Medica" ghi rằng, nó "làm sạch phổi và giảm ho, giải nhiệt và giải độc, trị ho ra máu, kiết lỵ, bệnh sốt, cơ thể nóng, khát và chóng mặt".
Các cuốn sách tiếp theo như "Lingnan Herbal Medicine", "Chinese Materia Medica", "National Compendium of Chinese Herbal Medicine", "Quảng Đông cổ truyền Trung Quốc" và các cuốn sách khác cũng mô tả hình thái thực vật, môi trường sinh thái, dược tính, thành phần hóa học, dược lý học...
Trong hành trình tìm hiểu về Ngưu Đại Lực bên đất Trung Quốc, khi gặp ông Hoàng Quyền Thành, thầy thuốc nổi tiếng Trung Quốc, là Phó TGĐ tập đoàn Đông Dược ở Phúc Kiến, ông tiết lộ “Người Trung Quốc đã tìm ra hoạt chất chống ung thư phổi cực mạnh trong củ Ngưu Đại Lực. Nhưng, đây là nghiên cứu bí mật, nên tôi cũng chưa nắm rõ”.
Theo VTC News