Lần đầu tiên được ăn loại rau rừng này khi đi công tác Sơn La, chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) cho biết, loại rau này có mùi rất kinh khủng, nhưng khi cho vào miệng ăn lại rất bùi và ngậy, kèm vị rất đặc biệt làm người ăn nhớ mãi.
Rau thối rừng. (Ảnh: Ma Quang Gấu).
“Mới đầu tôi ngửi thì thấy hơi hắc, rất khó chịu, đúng với tên gọi của nó là rau thối. Sau một vài bữa ăn quen lại thấy nhớ. Về Hà Nội lùng khắp nơi cũng không có ai bán”, chị Tâm cho biết.
Để được thưởng thức lại mùi vị đặc biệt đó, chị Tâm phải nhờ bạn của mình mua tại Yên Bái với giá 65 nghìn đồng/kg rồi chuyển xe khách xuống Hà Nội. Tính cả cước xe, tiền ship hàng từ bến về nhà, mỗi cân rau thối có giá lên tới gần trăm nghìn đồng, gấp cả chục lần các loại rau thông thường khác.
Nộm rau thối. (Ảnh: Ma Quang Gấu).
“Rau thối làm được nhiều món lắm, từ xào thịt bò, rán trứng, làm nộm, xào măng, nấu canh… Nói là rau thối nhưng lúc nhặt rau chỉ thấy mùi hơi hăng hắc thôi”, chị Tâm cho hay.
Chị Hiền, trú tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết, rau thối là loại cây dây leo, lá kép mày xanh thẫm, mọc đối xứng nhau. Thân có nhiều gai nhọn, mọc hoang trong rừng.
Rau thối là cây dây leo mọc hoang trên rừng. (Ảnh: Ma Thị Dung).
Loại rau này có nhiều tên gọi dựa theo mùi của nó. Cụ thể, theo tiếng kinh là rau thối, rau gai; tiếng Thái gọii là pắc nam, pắc min, còn có nơi gọi là pắc khỉ… Ai ngửi quen thì thấy thơm, không quen thì thấy rất hắc.
“Loại rau này rất quen thuộc với đồng bào vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm và được mọi người hái bán với giá từ 10-15 nghìn đồng/bó”, chị Hiền cho biết.
Mỗi bớ rau thối được chị Hiền bán với giá 15 nghìn đồng.
Theo chị Hiền, mặc dù là loại rau rừng có mùi hơi khó chịu với những ai chưa quen nhưng lại là món ăn được nhiều người yêu thích. Bán rau tận Yên Bái nhưng nhiều khách ở Hà Nội cũng mua hàng của chị.
“Loại rau này để ngoài rất nhanh héo nên gửi đi xa phải rất cẩn thận. Khách ở Hà Nội mua thì tôi sẽ nhặt sẵn, bọc trong giấy báo giữ ẩm, đựng trong hộp xốp ủ đá rồi gửi hàng cho khách nhận trong ngày. Thêm cước xe khoảng 50 nghìn xuống đến Hà Nội”, chị Hiền cho hay.
Rau thối thường được xào hoặc nộm với măng rừng tươi. (Ảnh: Ma Thị Dung).
Là người rất thích ăn rau thối rừng, chị Ma Thị Dung (Tuyên Quang) cho biết, rau thối có tên tiếng Tày là “sắc lùng”, là một loại cây thân leo, mọc phơi trên các vách đá vôi nhưng không phải núi đá vôi nào cũng có loại cây này.
Phần ngọn của cây rau thối được người dân hái về làm thức ăn, phần vỏ cây được dùng để chữa bệnh cảm cúm ở gà. Các món ăn phổ biến từ rau thối phải kể đến là rau thối xào trứng, chiên trứng, xào măng, nấu canh.
Rau thối xào măng. (Ảnh: Ma Thị Dung).
Ngoài ra, rau thối còn có thể được sử dụng như một loại rau gia vị ướp với cá để nướng, xào với thịt trâu, thịt lợn, làm nộm hoặc nấu canh cua đều rất ngon.
Theo chị Dung, rau thối có mùi vị rất riêng, người ăn được thì thấy rất thơm và ngon, người nào không ăn được thì thấy thối. Cũng như sầu riêng hoặc mắm tôm, ai ăn được thì “nghiện”, nhưng ai không ăn được thì thấy ghê, phải tránh xa.
Theo Khánh An/Dân Việt