Bình bát hay na biển là loài thực vật có hoa thuộc họ Na, cùng chi với mãng cầu xiêm và cherimoya. Cây có nguồn gốc từ Florida, Caribe, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Tây Phi. Loại cây này sống được ở đầm lầy, chịu được nước mặn nhưng không thể mọc ở đất khô cằn.
Ở nước ta, cây bình bát được trồng rất nhiều tại các khu vực ven sông, hồ. Cứ đến tháng 6, những quả bình bát bắt đầu lác đác chín và chín rộ nhất vào tháng 7 Dương lịch. Thời điểm này, bình bát đã bắt đầu bước vào cuối vụ, số lượng quả không còn nhiều.
Theo y học cổ truyền, quả bình bát có tác dụng tiêu diệt chấy rận, sâu bọ, chữa ghẻ lở, kiết lỵ, tiêu chảy, tiểu đường, bướu cổ, chống viêm, kháng khuẩn, sát trùng, thanh nhiệt, nhuận tràng, lợi tiểu, an thần, chữa lao phổi, mề đay...
Có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng quả bình bát lại không được nhiều người dân ở quê ưa chuộng, họ thường không mấy quan tâm. “Khu vực Quảng Yên (Quảng Ninh) cây bình bát đầy ở ven đê. Năm nào cũng vậy, cây ra quả rất sai nhưng chẳng ai ăn để rụng đầy. Tôi đọc thấy bảo quả này có công dụng tốt cho sức khỏe nên tôi mới hái ít quả đem về ăn”, một người dân ở Quảng Ninh chia sẻ.
|
Quả bình bát xanh có thể đem nướng để ăn. |
Người này đánh giá loại quả này ăn thanh thanh vị, không chua cũng không ngọt, hơi nhạt. Mọi người ăn thường phải dầm thêm đường và đá mới ngon.
Chị Ngân Hoàng (Quảng Ngãi) cũng cho biết quả bình bát ở quê chị không ai ăn, để quả rụng đầy gốc. “Quê tôi chẳng có một người nào biết ăn quả này cả. Đi ra đường, mọi người sẽ thấy quả rụng đầy gốc, không người nào buồn nhặt. Tôi hay lướt mạng, thấy nhiều người bán quả bình bát quá, tôi cũng đăng bán thử mấy ngày nay”, chị chia sẻ.
Chị cho biết khách hàng hầu như đều ở ngoài miền Bắc đặt mua, có người mua chục cân đến vài chục cân. Theo chị, loại quả này không phải ai cũng ăn được vì chúng có mùi rất đặc trưng. Bản thân chị không hợp với mùi quả đó nên chị ăn cảm thấy không ngon. Còn nhiều người chia sẻ quả này chín dầm đường đá ăn giải nhiệt rất tốt. Những quả bình bát xanh thì có thể đem nướng ăn.
Chị chia sẻ thêm: “Cũng giống như quả sầu riêng vậy, loại quả này có một cái mùi đặc trưng lắm. Sầu riêng cũng có người nghiện ăn nhưng có người lại không thể ngửi được cái mùi của nó thì quả bình bát cũng y hệt vậy đó”.
Tính đến nay, chị đã bán được khoảng vài chục cân bình bát cho khách sỉ. Giá bán sỉ vào khoảng 10.000 đồng/kg, còn bán lẻ giá khoảng 15.000 đồng/kg.
Cũng bán quả bình bát, chị Bùi Thị Duyên (trú xã Thuỵ Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) mỗi ngày thu hái được khoảng 2 tạ quả để gửi đi cho khách hàng ở khắp các tỉnh thành ở miền Bắc. Chị cho biết những quả bình bát xanh không thể ăn trực tiếp, chị chủ yếu hái những quả ương để gửi đi.
“Loại quả này vỏ khá mỏng, dễ bị trầy xước nên tôi cũng không hái quả chín gửi đi. Tôi thường chọn những quả ương để bán. Những quả này đều được hái từ những cây mọc ở ven sông, cây không ai chăm sóc mà chúng mọc và phát triển tự nhiên”, chị nói.
Chị cho rằng những quả bình bát chín dầm sữa, đường, đá ăn sẽ rất ngon. Do giá bán chỉ dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, khách đặt mua rất nhiều. Có những ngày chị hái 2 tạ quả vẫn không đủ bán cho khách.
Trên thị trường, quả bình bát được rao bán với mức giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg (giá sỉ). Khách mua lẻ sẽ có giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Theo Người đưa tin