Cà cuống còn có tên gọi khác là sâu quế, đà cuống, là một loại côn trùng họ chân bơi, sống ở ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng. Đây được xem là loại côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay, có cơ thể dẹt, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7–8cm. Khi còn non cà cuống giống như con gián, phần miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn.
Cà cuống là loại côn trùng hiếm có khó tìm ở Việt Nam
Giá trị của cà cuống nằm ở túi tinh dầu ở phần ngực. Tinh dầu cà cuống có màu trong vắt, dậy mùi thơm đặc trưng, là một loại gia vị không thể thiếu để làm nên nước mắm chấm ở miền Bắc.
Thức ăn của cà cuống cũng dễ tìm, chủ yếu là cá nhỏ, nhái, cào cào, châu chấu... Ban ngày chúng hoạt động ở dưới nước còn ban đêm có thể bay lên mặt đất để kiếm thức ăn.
10 con cà cuống được rao bán trên chợ mạng với giá lên tới 500.000 đồng
Dù bề ngoài trong có vẻ xấu xí, kỳ dị khiến thực khách không đủ can đảm để thử nhưng thực tế cà cuống có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cà cuống nướng, cà cuống quay,... và là nguyên liệu không thể thiếu trong các món bún chả, bún thang, bánh cuốn. Với những người sành ăn ở Hà Nội, nếu đã được thưởng thức món bánh cuốn cà cuống trứ danh chắc chắn sẽ "ghiền" đến khó quên.
Cà cuống mang trong mình loại tinh dầu quý hiếm nên giá không hề rẻ. Trên thị trường, cà cuống sống, nguyên con được bán với giá 38.000-50.000 đồng/con. Như vậy, mỗi kg loài côn trùng này có giá lên tới 5 triệu đồng, dao động từ 50-80 con.
Ngoài cá cuống sống, các chế phẩm từ cà cuống cũng rất đắt hàng
Rao bán cà cuống và các chế phẩm từ cà cuống trên chợ mạng, anh Khánh Ngọc (ở TP.HCM) cho biết anh bán cà cuống khoảng 5 năm nay, do người nhà anh nuôi ở An Giang nên hàng rất đảm bảo. Ngoài cà cuống nguyên con, anh còn bán Nước mắm cà cuống nguyên con (ngâm 10 con đực) 400.000 đồng/chai, tinh dầu cà cuống 300.000 đồng/lọ, rượu cà cuống 1.250.000 đồng/ bình 2 lít.
"Nước mắm cà cuống có đặc trưng riêng, mới đầu ăn chưa quen thì có mùi hăng, nồng như mùi bọ xít, nhưng khi ăn quen thì lại thấy thơm nhè nhẹ như mùi dầu chuối. Nhiều người nghiện nước mắm cà cuống và nói rằng với bất cứ món chấm nào mà không có tí nước mắm cà cuống thì tất cả đều vô vị. Tôi nhập cho nhiều mối khách quen, gửi hàng đi khắp các tỉnh thành, nhiều người còn mua làm quà tặng cho người thân ở nước ngoài", anh Ngọc chia sẻ.
Bánh cuốn cà cuống trứ danh
Cà cuống chiên cũng rất bùi và hấp dẫn
Không chỉ là đặc sản thơm ngon, cà cuống còn rất bổ dưỡng. Chúng chứa hàm lượng protein, lipid và các vitamin dồi dào. Theo Đông y, loại côn trùng này có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Chị Hoài (ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cho biết năm 2017, chị tìm giống cà cuống về nuôi thử nghiệm tại gia đình. Cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lần đẻ chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng/lứa. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần đạt 100%. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày. Sau khi nở 45 ngày, có thể xuất bán cà cuống thịt với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/con. Riêng cà cuống bố mẹ có giá khoảng 200.000đồng/con.
Chị Hoài tiết lộ, nuôi cà cuống cần phải chọn nơi thoáng mát, không bị ô nhiễm và phải theo dõi sinh sản của cà cuống để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt nhất.
Là người tiên phong chọn cà cuống để khởi nghiệp, sau mấy năm nuôi thử nghiệm, giờ đây chị Hoài đã sở hữu một trang trại cà cuống với quy mô 5.000 con, sau khi trừ chi phí chị thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Theo Chi Phan / Dân Việt