Tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể sử dụng như một loại gia vị trong ẩm thực Việt Nam. Không chỉ mang đến hương vị mới lạ cho các món ăn, các bộ phận của cây sen còn có những lợi ích đặc biệt với sức khỏe. Trong đó, củ sen là bộ phận được sử dụng khá phổ biến hiện nay.
Trong các bài thuốc Đông y, củ sen còn được coi như một vị thuốc được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý: dạ dày, hô hấp, kiểm soát cân nặng, tăng cường trí nhớ...
Do có khá nhiều vitamin, khoáng chất và cả những dưỡng chất rất có lợi khác nữa, củ sen thường được nhiều bà nội trợ sử dụng để nấu các món canh hay xào thịt… Để chế biến món ăn, người dùng cần sử dụng những củ sen tươi, giá bán lẻ dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Những củ sen được thu hoạch về chuẩn bị làm trà.
Ngoài ra, nhiều người còn làm trà củ sen để làm tăng giá trị nông sản. Hiện, trà củ sen đang được bán giá lên đến hơn 400.000 đồng/kg.
Anh Vũ Văn Anh (trú tại thôn Bình Thành, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cho biết anh đã làm trà củ sen mấy năm nay. Lý do khiến anh làm trà củ sen một phần là muốn tăng giá trị nông sản Việt, phần còn lại là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta, củ sen tươi không bán được nên cần phải làm ra sản phẩm nào đó để bảo quản lâu hơn.
“Tôi khởi nghiệp với cây sen, tôi trồng sen với diện tích lớn nên mỗi năm, tôi thu hoạch cả vài tấn củ sen. Khoảng thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, củ sen không tiêu thụ được, tôi đã phải tìm mọi cách để làm ra các sản phẩm có thể bảo quản lâu hơn.
Tận dụng những kinh nghiệm của bản thân và lên mạng học hỏi thêm, tôi đã nghiên cứu và cho ra mắt thị trường 2 sản phẩm đó là trà củ sen và tinh bột củ sen”, anh cho hay.
Củ sen tươi được cắt lát và phơi nắng cho khô.
Sau đó, củ sen sẽ được đưa vào máy sấy để làm khô hoàn toàn.
Anh cũng cho biết trà củ sen được rất nhiều người ưa chuộng vì sự tiện lợi và công dụng tốt cho sức khỏe của nó. Trung bình mỗi năm, anh bán ra thị trường từ 450 – 500 cân trà củ sen. Theo đó, thời điểm giao mùa thì sản phẩm trà bán chạy nhất, cụ thể mùa hè sang mùa thu, mùa thu sang mùa đông… Thời điểm hiện tại đang giao mua hè sang thu, anh cũng bán rất chạy sản phẩm trà này.
Chia sẻ thêm về trà củ sen, anh cho biết không thể làm đại trà số lượng lớn được. Vì sản phẩm này cần làm thủ công mới đạt hương vị và chất lượng cao nhất. Ngay từ khâu thu củ sen về, anh sẽ phải chọn những củ có độ già vừa tầm, tươi ngon.
Sau đó, anh sẽ rửa sạch và đem phơi nắng to để đảm bảo giữ mùi thơm đặc trưng của của sen. Phơi nắng chỉ khô được khoảng 80%, anh sẽ phải đưa vào máy sấy để đảm bảo củ sen khô hoàn toàn.
Những lát sen khô sẽ được đem đi sao trên bếp củi để giữ được mùi thơm đặc trưng từ củ sen.
Khi củ sen đã khô, anh tiếp tục đưa củ vào sao trên bếp củi với cát. Sở dĩ phải dùng cát, anh cho biết cát sẽ giúp củ sen chín đều và đỡ bị cháy hơn. Còn trà củ sen bắt buộc phải sao trên bếp củi thì mới cho ra sản phẩm trà có mùi thơm đặc trưng.
Mỗi chiếc chảo to chỉ sao được khoảng 2kg trà và mỗi lần sao sẽ mất từ 40-45 phút. Với thời tiết nóng nực của mùa hè, việc sao trà cũng là một công đoạn khá vất vả cho người làm. Nhưng để đảm bảo đủ sản phẩm gửi trả đơn cho khách, nhà anh phải vận động hết nguồn nhân lực trong nhà để sao trà.
Sản phẩm trà bán ra thị trường cũng cần đảm bảo các xét nghiệm đủ theo yêu cầu của ngành trà.
Đặc biệt, anh cho biết khâu sao củ sen đòi hỏi người làm phải đảo đều tay, cảm nhận được độ chín của sản phẩm ở mức vừa tầm, lửa cần để vừa đủ mới có thể cho ra mẻ trà thơm, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.
Cuối cùng, anh sẽ kiểm tra trà đã hoàn thành và đóng gói. Trà khi được bán ra thị trường đều phải đạt các chỉ tiêu xét nghiệm phù hợp với sản phẩm của ngành trà. Theo anh, trà củ sen có thể bảo quản được từ 6- 8 tháng nên người dùng cũng cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm này.
Theo Nguyễn Thơm/Người đưa tin