Chanh rừng (hay còn gọi là chanh Mẫu Sơn) là loại chanh mọc trên núi Mẫu Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Trước đây, loại chanh này chủ yếu được bà con dân tộc người Dao thu hái từ những cây chanh mọc tự nhiên ở rừng. Mấy năm trở lại đây, người dân đã lấy giống đem về trồng để thu hoạch đỡ vất vả và số lượng bán ra cũng nhiều hơn.
Hàng năm, cây sẽ cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 10 Âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết lạnh lâu khiến cho chanh rừng cũng thu hoạch muộn hơn. Đến thời điểm này, chanh rừng mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng mới lác đác, số lượng chưa có nhiều.
Chanh rừng Mẫu Sơn bắt đầu vào mùa nên số lượng còn ít, giá cao.
Không giống với các loại chanh khác, chanh rừng Mẫu Sơn khá nhỏ, kích thước chỉ như quả quất hoặc to hơn một chút, mỗi quả có từ 3-5 hạt. Khi chanh chín, vỏ có màu vàng. Nếu ăn cả vỏ sẽ cảm nhận thấy vị ngọt bùi và rất thơm. Còn bóc vỏ ra, người dùng sẽ cảm nhận vị hơi chua.
Giá bán của loại chanh này hầu như năm nào cũng giống nhau, dao động từ 100-120 nghìn đồng/kg (khi mua lẻ). Đối với khách sỉ, giá bán chỉ dao động từ 60-80 nghìn đồng/kg.
Vừa cân chanh cho các mối sỉ, anh Phương (Mẫu Sơn, Lạng Sơn) vừa nói: “Loại chanh này năm nay có muộn, giờ mới bắt đầu lác đác thu hoạch được nên số lượng còn ít. Tầm nửa tháng nữa, chanh bắt đầu thu hoạch được nhiều. Cũng vì lẽ đó, giá bán loại chanh này khá cao, dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg cho khách sỉ lấy số lượng lớn”.
Với chanh rừng Mẫu Sơn, quả còn xanh vỏ sẽ có công dụng tốt hơn những quả đã to và chín vàng. Theo anh, những năm trước, chanh rừng tầm này đã thu hoạch rộ, còn năm nay do thời tiết lạnh nên đến giờ vẫn chưa có nhiều để bán.
Chanh rừng Mẫu Sơn được người dân ở Lạng Sơn đem giống về nhà trồng nên số lượng giờ nhiều hơn trước.
Mấy năm trước, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, gia đình anh đã lấy giống về trồng tại vườn nhà. Đến nay, nhà anh cũng có khoảng 250 cây chanh rừng cả to và bé, trong đó, gần một nửa số cây đã cho thu hoạch khoảng 2 năm nay.
“Những cây chanh trồng bằng hạt sẽ mất khoảng 4 năm mới cho ra quả, còn cây ghép thì chỉ cần 2 năm là có quả rồi. Nhà tôi trồng 2 loại, 2 năm gần đây mỗi năm cho thu hoạch khoảng trên dưới 500kg quả”, anh cho hay.
Khi chanh bắt đầu vào mùa, một số đầu mối lấy sỉ quen sẽ liên hệ đến anh hỏi mua. Anh sẽ thu hoạch chanh của nhà và thu mua của người dân để có đủ bán cho khách sỉ. Anh cũng tiết lộ mỗi năm anh bán được khoảng gần 2 tấn quả.
Việc thu hái chanh rừng không đơn giản vì chiều cao trung bình của cây trưởng thành vào khoảng 3 mét. Thân cây thẳng, lá nhỏ, có nhiều gai, cành và nhánh cây cũng rất nhỏ. Để có thể hái được trái chanh rừng, người dân phải dùng thang để leo lên cây.
Nếu hái chanh mọc tự nhiên, người hái phải dùng thang để trèo lên.
Chính vì vậy, chị Thảo – một người chuyên thu mua chanh rừng ở Lạng Sơn, cho biết khi trời mưa người dân thường không thể thu hái được, khách đặt mua đúng ngày đó sẽ không có hàng.
Ngoài bán chanh tươi, dân buôn còn đem ngâm mật ong hay đường phèn để bán cho khách. Loại chanh này ngâm dùng để trị ho, đau họng và cảm lạnh. Có người còn sử dụng chanh rừng với ớt để làm nước chấm cũng rất thơm, giúp tăng thêm hương vị của bát nước chấm hoặc dùng để ngâm măng ớt chỉ thiên làm ra món gia vị khoái khẩu trong bữa ăn của các gia đình.
Không chỉ thế, dân buôn còn nghĩ ra món ăn mới chế biến từ chanh rừng Mẫu Sơn, đó là làm ô mai chanh rừng. 15 năm bán chanh rừng, chị Hồng Nhung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết sở dĩ có sản phẩm này là vì năm ngoái mùa chanh đúng vào dịp giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Chị nhập chanh về nhưng không thể bán được hết. Chị đã nghĩ cách làm ra món mới để bảo quản lâu hơn mà ăn ngon, lạ miệng. Món ăn này của chị đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ và chị đã bán hết gần 200 hộp loại này.
Theo Anh Thư/ Arttimes