Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Hoà Bình, anh Bùi Mạnh Ly, trú tại xóm Yến Báy, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn đã tìm đủ mọi nghề để làm giàu trên chính quê hương của mình.
Sau nhiều năm làm doanh nghiệp tại Hà Nội, công việc mấy năm gần đây không được thuận lợi, anh Ly quyết định về quê tập trung phát triển trang trại, chăn nuôi những loài đặc sản như tằm, dế, ong vò vẽ và tìm kiếm các loại cây mang lại kinh tế cao để trồng tại trang trại.
Thay vì trồng đu đủ để lấy quả như mọi người, anh Ly chọn trồng đu đủ đực để lấy hoa bán.
Anh Ly nhận thấy cây đu đủ đa số được mọi người trồng để lấy quả, những cây đu đủ đực trước đây thường bị chặt bỏ thì mấy năm gần đây lại được người tiêu dùng lùng mua với giá cao để làm dược liệu, lên đến cả triệu đồng/kg khô.
Thấy tiềm năng phát triển của loại cây này, anh Ly bắt đầu tiến hành nghiên cứu và ươm giống để trồng trong trang trại gia đình và cung cấp cây giống cho khách.
“Thông thường, cây đu đủ đực sẽ chỉ có hoa, từ năm thứ 3 trở đi có một số cây ra quả nhưng quả rất bé và không có hạt. Vì vậy, tôi phải nghiên cứu cách chọn giống sao cho nhanh nhất và chuẩn nhất”, anh Ly nói.
Từ những cây đu đủ giống bản địa mọc tự nhiên quanh trang trại, mỗi lần có quả chín, anh lại lọc lấy hạt đu đủ đực để ươm cây giống.
Anh Ly tự ươm cây giống đu đủ đực từ những cây đu đủ bản địa trong vườn nhà.
Theo anh Ly, thông thường hạt đu đủ có màu nhạt sẽ là hạt đực. Tuy nhiên, cách chọn hạt chỉ chuẩn được khoảng 70-80%. Vì vậy, khi nào ươm lên cây, phải chọn tiếp những cây rễ cọc để đi trồng, tỷ lệ chọn giống theo cách này đạt chuẩn trên 95%.
Từ năm thứ 2 trở đi, những cây nào là cây cái có thể cắt phần ngọn, để lại phần gốc khoảng 50cm rồi ghép ngọn, cành cây đực vào để cây ra hoa đực.
Qua khảo sát và nghiên cứu, anh nhận thấy muốn trồng đu đủ đực phải lựa chọn được địa hình phù hợp. Nếu trồng ở khu vực có độ cao trên 400 mét so với mực nước biển thì hay gặp sương muối vào mùa đông khiến cây bị rụng lá và phải đến mùa xuân cây mới ra lộc non.
Vì vậy, cần chọn khu vực đồng bằng, độ cao từ 100-200 mét so với mực nước biển thì cây sẽ phát triển tốt hơn.
Hàng vạn cây giống được anh Ly ươm thành công trồng phủ xanh 10ha đất trang trại.
“Đất khu vực tôi ở đa số là đất xen lẫn đá tai mèo, địa hình sườn dốc, đất bằng bẳng không có nhiều. Khó khăn nhất là không cơ giới hoá được, không sử dụng màng phủ chống cỏ theo hàng hay theo luống được nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn nhiều so với những loại cây khác”, anh Ly phân tích.
Tuy nhiên, lợi thế là đất đá tai mèo giữ ẩm rất tốt, có những hốc đá chỉ cần một ít đất thôi, không cần tưới nước nhưng cây vẫn đủ độ ẩm và phát triển tốt. Vì vậy, anh vẫn quyết định phát triển kinh tế từ loại cây này ở đây.
Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 10ha đất đá tai mèo đã được anh Ly phủ xanh bằng đu đủ đực.
Hiện tại 3/10ha đu đủ đực tại trang trại của anh Ly đã cho thu hoạch 4-5 đợt hoa.
“Tôi trồng đu đủ theo hướng quảng canh. Lựa chọn thời điểm phù hợp để trồng, trồng xong không cần tưới nước mà thi thoảng chỉ bón phân cho cây nên chi phí không cao. Mỗi ha từ khi làm đất, chăm sóc, ra hoa và thu hoạch chỉ mất từ 40-50 triệu đồng”, anh Ly chia sẻ.
Với mật độ trung bình là 2 mét/cây, mỗi ha sẽ trồng được khoảng 2.500 cây. Trừ đi hao hụt do thời tiết hoặc có cây cái xen vào thì trung bình sẽ đạt khoảng 2.000 cây/ha.
Theo anh Ly, chỉ cần 1 năm sau người trồng sẽ thu hồi được vốn bỏ ra ban đầu từ việc bán hoa đu đủ đực.
Sau khi trồng, chỉ cần 4-5 tháng sau cây sẽ bắt đầu ra hoa nhưng sản lượng năm đầu chưa cao. Từ năm thứ 2 trở đi, từ 30-40 ngày cây sẽ cho thu hoạch hoa một đợt với năng suất khoảng 0,5kg/cây. Từ năm thứ 3 trở đi, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu từ 1-2kg hoa/đợt.
Với giá bán buôn từ 35-55 nghìn đồng/kg, tuỳ thời điểm thì theo tính toán của anh Ly, chỉ cần sau 1 năm trồng sẽ thu hồi lại chi phí ban đầu. Từ năm thứ 2, mỗi ha sẽ thu được từ 7-15 tấn hoa/năm, tuỳ khả năng chăm sóc cây.
Hoa đu đủ đực tại trang trại anh thu hoạch đến đâu có người mua hết đến đó.
Hiện tại, 3/10ha đu đủ đực của anh đã thu được từ 4-5 đợt hoa bói, mỗi đợt cách nhau khoảng 1 tháng. Trung bình mỗi đợt thu được từ 5-7 tạ hoa.
“Hiện tại thị trường tươi đang rất tốt, có bao nhiêu họ thu mua hết bấy nhiêu. Người dân cũng sẵn sàng mua hoa đu đủ đực với giá lẻ là 50-70 nghìn đồng/kg để về làm thực phẩm ăn hàng ngày, chưa kể làm thuốc”, anh Ly cho hay.
Theo dự tính, từ giữa năm 2023, khi sản lượng hoa đu đủ đực nhiều hơn, anh sẽ ký hợp đồng với công ty chuyên sản xuất siro ho từ hoa đu đủ và cung cấp hoa tươi cho đối tác tiêu thụ làm thực phẩm.
Về quê phát triển kinh tế từ nuôi ong vò vẽ và trồng hoa đu đủ đực, vợ chồng anh Ly có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngoài nhân giống đu đủ đực trồng tại trang trại, tháng 12/2022, anh Ly còn xuống giống khoảng 30 vạn cây. Một phần số cây giống đó sẽ được anh trồng thêm tại trang trại, một phần cung cấp cho các hộ nông dân và các hợp tác xã để liên kết, bao tiêu sản phẩm cho họ. Phần còn lại sẽ để bán với giá từ 4,5-7 nghìn đồng/cây.
“Hoa đu đủ đực ngoài việc làm thực phẩm hàng ngày như xào, nấu canh, trộn gỏi thì còn có thể dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, đau dạ dày, tiểu đường, sấy khô làm trà, ngâm rượu, ngâm mật ong… Trong khi đó, tôi dự tính, nếu giá có xuống đến 25 nghìn đồng/kg thì người nông dân vẫn có lãi với mô hình trồng đu đủ đực”, anh Ly khẳng định.
Theo Người Đưa Tin