Cá tầm có nguồn gốc tại một số quốc gia châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, nổi tiếng nhất là ở Nga. Tại nước Anh, các tầm còn được gọi là "loài cá của nữ hoàng". Ở Việt Nam, cá tầm chủ yếu được nuôi ở Sapa và Lâm Đồng do được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, phù hợp với môi trường sống của loại cá đặc sản này.
Cá tầm là đặc sản Sa Pa có giá đắt đỏ
Cá tầm Sa Pa có màu trắng xám, cá không có vẩy. Miệng cá nhỏ nằm ngang và không có răng. Mũi cá dài nhọn có 4 râu hình trụ cứng dùng để kiếm mồi. Thịt cá tầm trắng hồng mịn, ở những lát thịt có vân vàng, đặc biệt thịt cá tầm rất thơm và dai. Đây là loại cá đặc sản cao cấp vì giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất tốt cho bà bầu, trẻ em và người già.
Thịt cá tầm có giá trị dinh dưỡng cao
Vì có giá trị dinh dưỡng cao, nên giá cá tầm cũng không hề rẻ. Theo khảo sát, 1kg cá tầm bán tại các cửa hàng hải sản hay trên chợ mạng với giá từ 200.000-275.000 đồng/kg, mỗi con từ 2-4kg tùy kích thước to nhỏ.
Thế nhưng, thời gian gần đây, một số địa chỉ rao bán cá tầm với giá siêu rẻ, chỉ từ 125.000-150.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu đây là cá tầm SaPa chuẩn xịn, bình thường có giá trên 200.000 đồng/kg nhưng hiện đang giảm giá. Khách có nhu cầu thì sẽ được làm sạch sẽ, bỏ ruột, cắt khúc sẵn và hút chân không, có thể để ngăn cá thoải mái. Phí làm sạch hút chân không là 10.000 đồng/kg.
Nhiều địa chỉ rao bán cá tầm chỉ từ 125.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với thời điểm trước
"Cá tầm không xương nên cho trẻ con ăn rất hợp lý, cuối tuần có thể nướng hoặc thả lẩu tại nhà mà không cần tới nhà hàng. Không mấy khi có giá rẻ lại tươi ngon nên các chị em tranh thủ đặt hàng khá đông. Riêng ngày hôm qua (8/10) tôi bán được 50 cân cá tầm, gửi xe từ Sapa xuống và giao hàng cho khách ngay trong ngày, đảm bảo tươi roi rói", chị Nguyệt Ánh - người bán cá tầm trên chợ mạng chia sẻ.
Theo chị Ánh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa thời gian dài, khách du lịch ở Sapa cũng không có khiến giá cá tầm giảm sâu.
Người bán còn hỗ trợ cắt khúc và hút chân không rồi giao hàng cho khách
"Như mọi năm, nhà cô mình có trang trại cá tầm ở Sapa khách đông bán không kịp trở tay, các thương lái đặt hàng từ trước. Còn năm nay, cá to đùng vẫn chưa bán được, giá lại thấp. Mình tranh thủ gom vài mẻ đưa xuống Hà Nội bán trên chợ mạng, vừa đỡ cho nhà cô mà vừa kiếm thêm chút lời tay trái", chị Ánh cho hay.
Một con cá tầm có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, phần lưng cá có nhiều thịt nhất có thể đem nướng, phần đầu và đuôi cá có thể nấu lẩu hoặc làm các món cá tầm nấu măng chua, cá tầm rang muối, cá tầm nướng, cá tầm hấp sì dầu…
Theo Chi Nguyễn / Dân Việt